Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:41
RSS

Tự tin bước vào năm mới 2021

Thứ sáu, 01/01/2021, 15:51 (GMT+7)

Năm 2020 khép lại với những biến động dữ dội. Năm 2020 được cho là năm khó khăn nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1945) thì cũng là năm Việt Nam vừa phải đương đầu với Covid-19, vừa phải căng mình trong thiên tai, bão lũ. Một năm đi qua để lại trong chúng ta những ký ức không thể nào quên.

Tự tin bước vào năm mới 2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung. Ảnh: TTXVN.

1. Năm 2020, đất nước phải đương đầu với những diễn biến thiên tai bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước.

Ngay từ đầu năm miền Bắc đã sương muối, mưa đá; miền Nam thì hạn mặn, triều cường. Tại Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu tháng 5 hoa sữa đã nở rộ cùng với bằng lăng, phượng vĩ. Sau đó là những ngày  nắng nóng kỷ lục.

Trong năm 2020, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trùm lên 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc bộ và Trung bộ; gây ra 118 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày mùng 1 đến ngày 22/10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Chưa năm nào miền Trung lại chịu nhiều tổn thất do thiên tai nặng nề đến thế. Chưa năm nào mưa lại trút xuống miền Trung nhiều đến thế. Tổng lượng mưa cả đợt từ 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao hơn 3 đến 5 lần so trung bình nhiều năm.

Do mưa lớn, nước các dòng sông miền Trung - Tây Nguyên lên cao gây lũ lụt nghiêm trọng, trong đó một số nơi đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu (Quảng Trị) tại Đông Hà là 4,69 m (ngày 8/10), vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m. Nhưng khủng khiếp hơn là ngay sau đó, ngày 18/10, đỉnh lũ trên sông Hiếu lại lên tới 5,36 m. Đỉnh lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên-Huế) là 5,24 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 m. Đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,11 m.

Tính đến ngày 20/12, thiên tai đã làm 288 người chết, 66 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 lượt người dân phải di dời khẩn cấp; 509.793 ngôi nhà bị ngập. Thiên tai đã làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn kilômet đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 38.400 tỷ đồng.

Trong hoạn nạn, nghĩa đồng bào lại rực sáng. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm hết sức mình để hỗ trợ, cứu giúp đồng bào vùng thiên tai, đặc biệt là đồng bào miền Trung. Những lời kêu gọi tha thiết được phát đi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; từ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn…

Hưởng ứng Lời kêu gọi, đồng bào ta từ Bắc tới Nam, kiều bào ở nước ngoài đã lập tức sẻ chia hoạn nạn với bà con vùng thiên tai. Trong những đợt ủng hộ ấy, thật xúc động biết bao khi có những cụ bà đã hơn 90 tuổi vẫn chống gậy đi bộ từ nhà lên ủy ban xã tặng số tiền dành dụm của mình. Nghĩa cử ấy không thể đo đếm, mà nặng như núi. Lại có cả những em bé nhịn ăn sáng để dành tiền gửi về đồng bào vùng lũ miền Trung. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều quyên góp, dành những ngày lương gửi về vùng thiên tai bão lũ. Các doanh nghiệp mặc dù trong một năm vô vàn khó khăn cũng đã nhận thêm khó khăn về mình để giúp đỡ những người khó khăn hơn. Xa Tổ quốc, nhưng hai tiếng Đất Mẹ thiêng liêng đã làm kiều bào ta rơi lệ. Những phần quà, phần tiền dành dụm gửi về nước thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đến được với đồng bào vùng khó khăn thật vô cùng cảm động.

Năm 2020 với những diễn biến khác thường của thiên nhiên đã qua. Cầu mong năm 2021 này mưa thuận gió hòa. Và chúng ta tin vào điều đó.

Tự tin bước vào năm mới 2021
Tình nguyện viên đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất, ngày 17/12/2020. Ảnh: Quang Vinh.

2. Năm 2020 là năm thiên tai khốc liệt, nhưng có lẽ còn nặng nề hơn đó chính là đại dịch Covid-19.

Cuối tháng 12/2019 dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) thì sau đó ít ngày, ngay từ những ngày đầu năm 2020 chúng ta đã bước vào cuộc chiến đấu chống đại dịch.

Chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong là chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng, Nhà nước. Tất cả các tuyến biên giới trên bộ hàng ngàn kilômet đều được phong tỏa. Các chốt dã chiến dựng lên. Từng lối mòn dù là nhỏ nhất trong rừng núi cũng được kiểm soát. Bộ đội Biên phòng vào cuộc chiến đấu mới với những bữa ăn vội vàng ngoài bìa rừng, những giấc ngủ chập chờn trong lán đơn sơ. Rồi tất cả hệ thống bệnh viện, các trạm y tế vào cuộc. Thầy thuốc trở thành chiến sĩ - những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu dập dịch.

Nhưng, rồi thì những ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng xuất hiện. Qua suốt 3 đợt chống dịch, cả nước thao thức. Trong đợt đầu, không thể nào quên được những ngày buộc phải phong tỏa những khu dân cư lớn như Hạ Lôi, Sơn Lôi. Cũng không thể nào quên được khi mà dịch bùng phát ở Bệnh viện Bạch Mai. Rồi bệnh nhân Covid-19 cũng xuất hiện ở Hà Nội. Đó là vào ngày 6/3, lãnh đạo Hà Nội họp khẩn cấp ngay trong đêm. Đến 22 giờ khuya, tin xấu chính thức được công bố. Hà Nội không ngủ. Cả tuyến phố Trúc Bạch bị rào chắn, tất cả những nơi bệnh nhân tiếp xúc đều phong tỏa, cách ly, tiến hành xét nghiệm y tế.

Thành phố Hồ Chí Minh, nơi rất đông dân cũng buộc phải áp dụng tình trạng khẩn cấp chống dịch.

Sau đó, đất nước qua được 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nhưng rồi niềm vui cũng lại phải thay bằng nỗi âu lo khi vào ngày 25/7, cụm bệnh viện ở Đà Nẵng buộc phải phong tỏa vì xuất hiện chùm ca bệnh Covid-19.

Hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước một lần nữa lại trở thành hơn 100.000 pháo đài dập dịch. Mỗi người dân lại trở thành chiến sĩ trên mặt trận phòng chống Covid-19. Thầy thuốc ở Trung ương, ở Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước được chi viện cho Đà Nẵng, thành lập sở chỉ huy tiền phương chống dịch. Những bệnh viện dã chiến cấp tốc dựng lên. Hàng quán, chợ búa gần như ngừng hoạt động.

Bằng sự quyết liệt ấy, chúng ta đã chặn được sự lây lan của dịch bệnh trong giai đoạn thứ hai với mức tổn thất thấp nhất về số người tử vong và cũng hạn chế được mức độ lây lan trên diện rộng.

Nhưng, đến chiều tối ngày 1/12, ca mắc mới ngoài cộng đồng đã xuất hiện tại TP HCM, sau hơn 120 ngày thành phố không có ca nhiễm mới. Đây là giai đoạn 3 của cuộc chiến chống Covid-19, cuộc chiến chống lại kẻ thù vô thanh vô sắc, luôn ẩn khuất và rình rập.

Từ kinh nghiệm và những bài học rút ra từ hai đợt chống dịch trước, cả nước bình tĩnh bước vào cuộc chiến đấu mới. Những thông điệp y tế về cách ly, tự bảo vệ mình cũng  là bảo vệ cộng đồng lại được đưa ra. Nước sát trùng, khẩu trang lại xuất hiện trên khắp các nẻo đường từ nông thôn cho tới thành thị. Hàng không lại bị hạn chế. Đường bộ, đường thủy tăng cường giám sát.

Cũng chính từ sự quyết liệt đó mà trong đợt 3 của dịch, chúng ta cũng chỉ có 4 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là thành công vô cùng lớn lao của đất nước ta, người dân đã được bảo vệ một cách tốt nhất có thể. Thành công ấy không phải quốc gia nào cũng có được, cho dù họ giàu hơn ta rất nhiều, hệ thống y tế tiên tiến hơn ta rất nhiều. Chính vì thế, thế giới đã coi Việt Nam như ngôi sao sáng trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Trong cuộc chiến gian nan với đại dịch, chúng ta vẫn hồi phục và phát triển kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh rằng, chúng ta phải thực hiện bằng được mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Ý chí và bản lĩnh của cả dân tộc một lần nữa bừng sáng, chúng ta đã không thụ động, khoanh tay đợi dịch đi qua mà chủ động, linh hoạt làm ăn ngay trong những ngày dịch giã.

Năm 2020 đầy khó khăn đã  đi qua, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (2,91%), trong khi rất nhiều nền kinh tế trên thế giới lún sâu vào khủng hoảng, tăng trưởng âm. Đó cũng chính là điều  thần kỳ Việt Nam. Điều thần kỳ ấy bắt nguồn từ truyền thống mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì tinh thần đoàn kết lại tỏa sáng, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam lại phát huy đến cao độ.

Và cũng chính từ những giá trị thiêng liêng ấy, chúng ta tin tưởng vào năm 2021 cho dù còn đó những khó khăn thách thức thì cũng không cản được bước tiến của người Việt Nam, của một dân tộc chịu thương chịu khó luôn gắn kết thành một khối chắc như đá vững như đồng trước mọi gian nan thử thách.

Hà Trọng Nghĩa
Theo Đại Đoàn Kết