Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:34
RSS

Từ 15/3, thu nhập dưới 2 triệu/tháng ở TP được coi là hộ nghèo

Thứ ba, 01/03/2022, 16:20 (GMT+7)

Theo quy định mới của Chính phủ, quy định chuẩn nghèo ở thành phố được tính có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng/người/tháng và ở nông thôn là dưới 1,5 triệu đồng.

Quy định hộ chuẩn nghèo tại TP và nông thôn

Từ ngày 1/3/2022, nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương cũng như điều kiện mới về kinh doanh bất động sản lệ phí trước bạ sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là nội dung tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 thay thế Quyết định 59/2015. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/3 tới.

Cụ thể, từ ngày 15/3, chuẩn nghèo sẽ điều chỉnh tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Theo Nghị định 07, chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/ tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. 

Ở khu vực nông thôn, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân người/ tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Trong đó, tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được quy định trên 6 dịch vụ gồm: Việc làm, y tế, giáo dục nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, cũng từ tháng 3/2022, nhiều quy định mới liên quan đến mức tăng trợ cấp, lương hưu, điều kiện kinh doanh bất động sản.

Từ 15/3, thu nhập dưới 2 triệu/tháng ở TP được coi là hộ nghèo

Ảnh minh họa.

Điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (có hiệu lực từ ngày 15/3/2022). Cụ thể, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng của tháng 12/2021.

Những người được điều chỉnh bao gồm: -Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Tăng mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc

Thông tư 2 của Bộ Nội vụ thay thế Thông tư 09, quy định về mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc cũng có hiệu lực từ ngày 15/3.  Cụ thể, mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 1/1/2022 (đã làm tròn số) đối với cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc được điều chỉnh như sau:

- Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 2.473.000 đồng/tháng;

(Trước đây, theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2019/TT-BNV mức hưởng là 2.116.000 đồng/tháng).

- Đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng;

(Trước đây, mức hưởng là 2.048.000 đồng/tháng).

- Đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng.

(Trước đây, mức hưởng là 1.896.000 đồng/tháng).

Từ 15/3, thu nhập dưới 2 triệu/tháng ở TP được coi là hộ nghèo

Ảnh minh họa. 

Cách tính tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động

Theo Thông tư 28 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/3.

Quy định nêu rõ, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.

Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau:

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).

- Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.

- Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.

- Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại