Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:18
RSS

Từ 1/4 tăng giờ làm thêm tới 60 giờ mỗi tháng, chuyên gia nói gì?

Chủ nhật, 27/03/2022, 10:45 (GMT+7)

Nghị Quyết 17 quyết định tăng giờ làm thêm theo tháng và theo năm cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Cụ thể mức tăng không quá 60 giờ trong 1 tháng, không quá 300 giờ trong 1 năm. Nhiều chuyên gia đã có ý kiến xung quanh vấn đề này.

Tăng giờ làm thêm phù hợp với thực tiễn

Sau gần 3 tháng lấy ý kiến, mới đây đề xuất của Bộ LĐTBXH về tăng giờ làm thêm đã được Ủy  ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký quyết định ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15  Về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng chống Dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghị quyết quy định người lao động được làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng và làm thêm năm là trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. 

Doanh nghiệp được thỏa thuận với người lao động tăng giờ làm thêm trừ 5 đối tượng cụ thể sau: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Từ 1/4 tăng giờ làm thêm tới 60 giờ mỗi tháng, chuyên gia nói gì?

Tăng giờ làm thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của cả người lao động và doanh nghiệp (Công nhân sản xuất tại Công ty May 10). Ảnh: Mạnh Dũng

Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết này phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Trước đó, báo cáo tại Thường vụ Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng cần nâng giờ làm thêm vì cả doanh nghiệp và người lao động đều có nhu cầu. Bộ trưởng cũng dẫn chứng khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong 17.000 lượt người cho ý kiến, hầu hết đồng tình với việc điều chỉnh giờ làm thêm.

Thực tế do sức ép đơn hàng nên doanh nghiệp vẫn “ngấm ngầm” thỏa thuận trực tiếp với người lao động để tiến hành làm thêm quá số giờ quy định, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Hơn nữa trong bối cảnh mới, cần tăng giờ làm thêm để doanh nghiệp linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế và cũng để bù đắp sự thiếu hụt tiền lương cho lao động. 

Xuất phát từ thực tế đó, chiều 23/3, tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu có mặt đã thông qua dự thảo Nghị quyết 17 tăng giờ làm thêm.

Tăng giờ làm thêm phải gắn với tăng phúc lợi, tăng giám sát 

Đồng ý tăng giờ làm thêm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần gắn tăng giờ làm thêm với tăng chăm sóc, tăng chế độ phúc lợi cho lao động. Đặc biệt tăng cường giám sát về việc doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ. 

Tăng thời gian làm thêm giúp doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, ứng phó với sự thay đổi của thị trường. Tăng ca cũng giúp công nhân có thể gia tăng thu nhập xoay sở với cuộc sống khó khăn hàng ngày nhưng nếu không làm tốt công tác chăm sóc phúc lợi thì về lâu dài có thể làm bào mòn sức khỏe của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cảnh báo: "Nếu không tính toán kỹ, việc đồng ý tăng lương không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể có thể đẩy lùi sự phát triển của con người, bào mòn sức khỏe của người lao động về lâu dài".

Từ 1/4 tăng giờ làm thêm tới 60 giờ mỗi tháng, chuyên gia nói gì?

Tăng giờ làm thêm cũng được xem là kênh giúp tăng thu nhập, giúp lao động có tiền lo cho cuộc sống trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ảnh: N.T

Ràng buộc theo ý bà Hương là Chính phủ cần có quy định cụ thể hơn về thời gian tăng ca. Ví dụ mỗi tháng được tăng ca tối đa 60 giờ nhưng tăng ca vào giờ nào trong ngày. Cần hạn chế tăng ca nhiều vào ban đêm vì nó sẽ khiến lao động dễ kiệt sức vì khung giờ đêm theo nhịp sinh học là thời gian nghỉ ngơi.

Theo bà Hương cần phải gia tăng điều kiện khuyến khích hoặc ràng buộc để doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, giảm sự phụ thuộc của con người từ đó tiết kiệm sức lao động cho công nhân. Như vậy, nếu có tăng giờ làm thêm, lao động cũng được bảo vệ sức khỏe, không phải làm việc quá sức.

Còn với ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng khá đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm, tuy nhiên chỉ nên tăng trong khoảng thời gian nhất định.

"Xu hướng phát triển của thế giới là giảm giờ làm. Có những quốc gia đã giảm giờ làm xuống chỉ còn 6 tiếng/ngày và làm 5 ngày/1 tuần", ông Quảng nói.

Ông Quảng cũng cho rằng, điều chỉnh giờ làm cần thực hiện trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý. Đồng thực hiện tốt chăm sóc bữa ăn phụ ngoài giờ, thực hiện chế độ nghỉ giữa ca, khám sức khỏe định kỳ... để lao động có thể được tái tạo sức lao động.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm UBCVĐXH quốc hội thì đồng tình với việc Quốc hội đồng ý tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng các đơn vị có liên quan nên tăng cường giám sát việc thực thi.

"Bản chất làm thêm giờ là kéo dài thời gian lao động điều này đương nhiên ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế nên có chế tài giám sát kiểm tra thực hiện đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng cường thêm chế độ tiền lương chăm sóc cho lao động", ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý.

Nghị quyết số 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022. Riêng quy định về tổng số giờ làm thêm theo năm được tính là có hiệu lực từ 1/1/2022 và kéo dài tới hết năm 2022.

 

Thùy Anh
Theo Dân Việt