Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:34
RSS

Từ 1/1/2018, người đi bộ gây tai nạn có thể bị phạt tù 15 năm

Thứ tư, 20/12/2017, 18:45 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2018 nếu người tham gia giao thông đi sai luật và là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Từ 1/1/2018, người đi bộ gây tai nạn có thể bị phạt tù 15 năm
Từ 1/1/2018, người đi bộ gây tai nạn có thể bị phạt tù 15 năm/ Ảnh minh họa

Theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn được mở rộng ra về người nào tham gia giao thông đường bộ, theo Chất lượng Việt Nam  

Điều 260 Bộ Luật hình sự quy định: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định rất rõ những trường hợp vi phạm. Theo đó người tham gia giao thông đường bộ, đi bộ sai luật, có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, thành phố Hà Nội cũng triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm hành chính đối với người đi bộ vi phạm luật lệ giao thông. Tuy những quy định và hình thức xử phạt đã được quy định và có hiệu lực nhưng trên thực tế, việc xử lý ở các địa phương đa phần chỉ dừng lại mức nhắc nhở. Vì vậy, ít người biết đi bộ cũng phải đúng luật.

Theo luật sư Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trước đây, tại điều 202 Bộ Luật hình sự (BLHS) 1999, sửa đổi bổ sung 2009 về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, chủ thể phạm tội được quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm”. Vậy, chủ thể phạm tội chỉ là chủ phương tiện, người điều khiển, báo Tiền phong đưa tin.

Tuy nhiên tại Điều 260 BLHS năm 2015, chủ thể được quy định là “người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định”, như vậy chủ thể phạm tội được mở rộng tối đa. 

"Đó là bất cứ ai tham gia giao thông đường bộ không chỉ có chủ phương tiện tham gia giao thông mới có thể gây tai nạn. Không thể cứ tình trạng, người đi bộ thì vô can, người điều khiển mới có tội” – luật sư Cường nói.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Cty Luật Minh Bạch cho rằng, hậu quả của hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của người tham gia giao thông đều xuất phát từ lỗi vô ý, ngoài mong muốn của người vi phạm. 

"Do vậy, việc trừng phạt phải cân nhắc để phù hợp với các tình tiết thực tế của vụ việc. Tôi cho rằng với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng đã đảm bảo tính răn đe đối với những trường hợp tham gia giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, hình phạt trong luật hình sự thì chủ yếu là mang tính chất răn đe, cảm hóa là chính chứ không nhằm trừng phạt người phạm tội. Cho nên, dù mức hình phạt quy định chung là như vậy nhưng trong những vụ án cụ thể thì việc áp dụng còn phải căn cứ vào nhiều tình tiết khác như tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” - luật sư Tuấn Anh nói.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mức hình phạt lên tới 15 năm tù là quá nặng (đối với chủ thể là người đi bộ) và không hợp lý với thực tiễn hiện nay khi hạ tầng giao thông của chúng ta đang yếu kém “hè không thoáng, đường không thông”.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN