Thứ tư, 24/04/2024 | 16:52
RSS

TS Hoàng Dương Tùng: Phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế!

Thứ năm, 28/11/2019, 10:36 (GMT+7)

TS Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã có những chia sẻ với PV Đời sống Plus về sự cần thiết phải phân loại rác thải.

TS Hoàng Dương Tùng: Phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế!
TS Hoàng Dương Tùng: Phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế!

‘Rác là tài nguyên”, điều kiện tiên quyết là phải phân loại rác

- Hiện nay, rác thải đang là vấn đề nóng bỏng của thế giới Còn tại Việt Nam ông nghĩ sao về vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt?

Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nóng bỏng của Việt Nam. Quản lý rác sinh hoạt bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý. Hiện nay, việc thu gom rác thải ở đô thị mới được khoảng 80%, còn ở nông thôn mới được 50-60%. Một lượng rác khổng lồ vẫn chưa được thu gom.

Về việc xử lý thì đến 95% rác thải là được chôn lấp ở các bãi rác và có rất nhiều bãi rác không hợp vệ sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 600 bãi rác, chưa kể các bãi rác nhỏ ở xã. Rác rất nhiều nhưng công tác tổ chức thu gom chưa tốt và rất lúng túng trong vấn đề xử lý khi quỹ đất cho bãi rác không có, tại nhiều nơi dân không chấp nhận bãi rác ở địa phương mình. 

Hiện nay, chỉ có một số nơi như Hà Nội, Cần Thơ... là đã đưa vào hoạt động một số nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng. Các địa phương khác cũng đang bắt đầu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ này.

TS Hoàng Dương Tùng: Phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế!
Nhà máy đốt rác phát điện Nedo (Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội)

- Tôi từng nghe nhiều về việc "rác thải là tài nguyên", nhưng làm sao để biến "rác" thành "tài nguyên" thưa ông?

Muốn “rác là tài nguyên”, điều kiện tiên quyết là phải phân loại rác. Phân loại làm giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý. Phân loại rác để tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác. Đồng thời mỗi hộ gia đình cũng thấy trách nhiệm đối với rác của mình.

Mỗi năm, ở Việt Nam lượng rác tăng ở mức 10-15%. Vì thế, tôi nghĩ việc phân loại rác, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải là cần thiết, tất yếu. Nếu cứ để tình trạng rác như thế này, không phân loại thì các nhà máy xử lý rác làm việc rất khó. Đã có một số nhà đầu tư xây dựng khu xử lý rác làm phân compost nhưng thất bại vì rác không được phân loại. 

Tuyên truyền, vận động nhưng cần phải có cơ chế 

- Hiện tại, một số thành phố đã thực hiện phân loại rác thải, ông đánh giá sao về hoạt động này thưa ông?

Ở một số các thành phố lớn đã thực hiện phân loại rác. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thành công. Một số nơi phân loại nhưng không đủ phương tiện để thu nhận. Người dân đã phân loại nhưng khi thu gom lại đổ chung lẫn vào nhau như vậy bằng hòa. Rồi cách phân thu gom rác ngày chẵn ngày lẻ cũng không hợp lý.

Rác hữu cơ có mùi khó mà để qua ngày khiến người dân khó chịu. Chính vì thế, việc phân loại rác chưa đi sâu vào cuộc sống, chưa được thực hiện. Theo tôi, việc phân loại rác thải là việc cần làm, nên làm nhưng làm phải có tập huấn, thận trọng, từng bước, có sự chuẩn bị nghiêm túc từ đơn vị thu gom, người dân và trang thiết bị đi cùng.

TS Hoàng Dương Tùng: Phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế!
Hình ảnh một bãi rác khi chưa được phân loại.

- Đối với rác thải nhựa liệu có cần chế tài riêng không, thưa ông?

Hiện nay, cũng đã có một số quy định về việc hạn chế rác thải nhựa. Ví dụ, đã có qui định về thuế môi trường đối với túi nilon khó phân hủy nhằm hạn chế tối đa sử dụng túi nilon không thân thiện với môi trường khi qui định mức thuế tối đa 40.000 đ/1kg đối với túi khó phân hủy và  miễn thuế  đối với túi thân thiện với môi trường.Tuy nhiên, việc thực hiện chưa tốt, đặc biệt ở các chợ dân sinh. 

Mặc dù đã có quy định về thuế nhưng hầu như việc thu thuế đối với các túi nilon siêu mỏng không thân thiện với môi trường còn bị bỏ ngỏ nên tại các chợ vẫn phát không túi một cách vô tội vạ.  Ở hầu hết các siêu thị người ta đã sử dụng các túi nilon thân thiện môi trường.

- Vậy còn công nghệ tái chế của Việt Nam đã đáp ứng được thực tế hay chưa, thưa ông? 

Hiện nay, có rất nhiều “làng nghề” tái chế nhựa, giấy… Ở làng nghề công nghệ rất lạc hậu lại không đầu tư các công trình xử lý chất thải bảo vệ môi trường,  gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Hiện cũng một số đơn vị sản xuất đồ nhựa cao cấp xuất khẩu sang châu Âu với yêu cầu tỉ lệ % là từ nhựa tái chế, chứ không phải toàn là nhựa nguyên sinh. Những đơn vị này có các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu.

- Việc phân loại rác chưa đi vào thực tế, theo ông nguyên nhân từ đâu?

Để thực hiện tốt việc phân loại rác, đòi hỏi tất cả phải vào cuộc từ người dân cho đến các cơ quan chức năng.

Theo tôi, cùng với tuyên truyền vận động người dân thì cơ quan chức năng cần phải có những chế tài phù hợp:

Thứ nhất, áp dụng các biện pháp kinh tế trong thu gom, vận chuyển xử lý rác. Tức là nhà nước nên dần xóa bỏ bao cấp, áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền đối với rác thải.

Hiện nay, nhà nước bao cấp gần như toàn bộ. Tại Hà Nội, mỗi người chỉ nộp 6.000 đồng/ tháng cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Với số tiền ít ỏi có tính tượng trưng này thì không mong xử lý rác tốt được. Nên áp dụng cơ chế tài chính theo hướng người dân phải nộp tiền xử lý rác. Khi đó, tôi nghĩ mới tạo động lực để người dân phân loại rác, tăng cường tái chế tái sử dụng. Tuy nhiên, việc tăng bao nhiêu cần phải tính toán, để tiếp cận dần dần, đầy đủ. 

Tại một số nước, người dân phải mua túi đựng rác tại các cửa hàng tiện ích. Các túi có kích cỡ khác nhau màu khác nhau để phân loại rác. Khi mua túi đó, người dân đã trả giá dịch vụ thu gom xử lý rác. Đội thu gom chỉ thu gom những túi màu đó. Túi màu khác nhau, đơn vị thu gom rác biết túi nào là vô cơ hay hữu cơ nên việc thu gom dễ dàng.

Thứ hai, tổ chức cho đơn vị thu gom rác tốt với các trang thiết bị phương tiện phù hợp để thu gom rác được tốt nhất, thuận tiện cho người đổ rác cả cho người thu gom rác.


TS Hoàng Dương Tùng: Phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế! 
Theo TS Tùng,
 phân loại rác không chỉ tuyên truyền mà còn cần phải có cơ chế!

Thứ ba, hạn chế chôn lấp đến mức thấp nhất, chuyển mạnh sang đốt rác thu hồi năng lượng. Mặt khác thúc đẩy, khuyến khích tăng cường công nghệ tái chế. 

Không chỉ người dân mà ngay cả các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Phải có văn bản cụ thể, rõ ràng hướng dẫn người dân. Tôi cho rằng, đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp, phải kiên trì làm nhiều năm. Cần phải có cách làm đúng và chuẩn bị từng bước cho tốt.

Trước năm 2018, Bộ Xây dựng được giao quản lý xử lý rác đô thị, còn rác nông thôn thì không rõ. Đầu năm nay Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cả ở nông thôn và thành thị. Sắp tới đây sẽ có Hội nghị toàn quốc về xử lý chất thải rắn. Rất hy vọng có những chính sách mới mạnh mẽ để giải quyết vấn đề nan giải này. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN