Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:02
RSS

TS. Hoàng Dương Tùng: Không có nước nào trên thế giới mà tiền thu gom xử lý rác rẻ như Việt Nam

Thứ ba, 24/03/2020, 09:37 (GMT+7)

Theo TS. Hoàng Dương Tùng thì nguyên tắc cào bằng hiện nay tại Việt Nam không khuyến khích được người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn.

TS. Hoàng Dương Tùng: Không có nước nào trên thế giới mà tiền thu gom xử lý rác rẻ như Việt Nam
TS.Hoàng Dương Tùng- Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT). 

Dự thảo luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, trong đó có nội dung quy định đối với chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, dân cư tập trung.

Theo đó, người dân thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn sẽ phải mua bao bì chuyên dụng để đựng rác. Hộ gia đình không dùng túi chuyên dụng sẽ không được thu gom rác. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng đã có những chia sẻ cụ thể hơn về Dự thảo luật sửa đổi này.

Gia đình nào xả nhiều rác thải thì phải trả nhiều tiền

- Là một trong những người tham gia đóng góp dự thảo Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, vậy thưa ông, quy định đối với chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, dân cư tập có những nội dung đề xuất gì mới?

Trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta khoảng 25 triệu tấn. Về việc xử lý thì đến hơn 90% rác thải là được chôn lấp ở các bãi rác và có rất nhiều bãi rác không hợp vệ sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 600 bãi rác, chưa kể các bãi rác nhỏ ở xã. Rác rất nhiều nhưng công tác tổ chức thu gom chưa tốt và rất lúng túng trong vấn đề xử lý khi quỹ đất cho bãi rác không có, tại nhiều nơi dân không chấp nhận bãi rác ở địa phương mình. 

Mỗi năm, ở Việt Nam lượng rác tăng ở mức 10-15%. Do đó, việc phân loại rác, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải là cần thiết, tất yếu. Nếu cứ để tình trạng rác như thế này, không phân loại thì các nhà máy xử lý rác làm việc rất khó. Đã có một số nhà đầu tư xây dựng khu xử lý rác làm phân compost nhưng thất bại vì rác không được phân loại. 

Vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định việc tiến hành thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Theo đó, người dân, hộ gia đình nào xả nhiều rác thải thì phải trả nhiều tiền đồng thời tăng cường tái chế tái sử dụng rác, nhằm giảm thiểu chất thải. Lúc đó, khi phân loại rác, bản thân người dân có thể bán một số loại có thể tái chế. Đó cũng cách nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các hộ gia đình đối với rác thải và môi trường sống.

TS. Hoàng Dương Tùng: Không có nước nào trên thế giới mà tiền thu gom xử lý rác rẻ như Việt Nam
Hình ảnh một bãi rác khi chưa được phân loại.

- Cách thức thực hiện dự thảo theo hướng "người gây ô nhiễm phải trả tiền" cụ thể như thế nào, thưa ông?

Quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Quan điểm sửa đổi coi rác là tài nguyên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.

Về cách thức thực hiện, sẽ có đơn vị sản xuất túi thu gom. Rác sẽ được phân loại để đựng trong một bao bì có màu sắc và giá tiền khác nhau tùy theo loại rác và lượng rác. Tiền thu từ việc bán bao bì (thực chất là tiền để thu gom xử lý rác), bên cạnh việc bù chi phí sản xuất sẽ được dùng cho việc thu gom, vận chuyện và xử lý chất thải rắn.

- Để quy định này có có tính khả thi, theo ông việc cần làm là gì?

Để quy định này có tính khả thi, cần có chế tài thật nghiêm minh kết hợp với các biện pháp kỹ thuật như phạt nguội để mọi người dần có ý thức phân loại rác, đổ rác đúng nơi đúng chỗ. Ngoài ra, cần phải có các hướng dẫn cụ thể ở các khu dân cư khác nhau, thay đổi trong tổ chức và cơ chế đối với các đơn vị thu gom xử lý rác. 

- Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất hiện nay tại Việt Nam, không phải địa điểm nào cũng có thể lắp camera để xử phạt đối tượng vứt trộm rác hoặc bỏ rác bừa bãi không đúng nơi quy định...

Sau khi xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường ra đời, sẽ ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo. Trong các Nghị định sẽ có mức xử phạt cụ thể và rất nặng. Ngoài chế tài xử phạt, sẽ huy động cộng đồng dân cư cùng giám sát việc thực hiện.

Tôi nghĩ, với mức sống hiện nay, nhiều người dân đô thị có thể sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với điều kiện họ thấy được khu phố mình sống sạch sẽ hơn, không còn rác thải vứt bừa bãi, không còn mùi hôi khi đi qua những chỗ tập kết rác. 

TS. Hoàng Dương Tùng: Không có nước nào trên thế giới mà tiền thu gom xử lý rác rẻ như Việt Nam
TS Hoàng Dương Tùng: ​Tôi thấy không có nước nào trên thế giới tiền thu gom rác lại rẻ như ở Việt Nam.

6.000 đồng/ tháng không đủ thu gom xử lý rác

- Theo quy định hiện nay tại Việt Nam, phí rác được tính theo đầu người trong hộ gia đình, thải ra nhiều hay ít cũng chỉ nộp từng ấy tiền. Nhiều người cho rằng, nguyên tắc cào bằng theo ông có khuyến khích được người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn. Xin hỏi quan điểm của ông ra sao? 

Đúng vậy! Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Hiện nay, hộ dân nào xả rác nhiều rác ít thì cũng chỉ thu 6.000 đồng/ tháng/người. 

Nguyên tắc cào bằng không khuyến khích được người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn.

- Thưa ông, cách thu phí như hiện nay có đáp ứng được kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải hay không?

Không! Tôi thấy không có nước nào trên thế giới tiền thu gom rác lại rẻ như ở Việt Nam. Mức giá 6.000 đồng/ tháng/người (tại Hà Nội), số tiền đó chưa đủ để công ty xử lý rác thu gom từ ở nhà cho đến nơi trung chuyển, chứ chưa nói tới việc chuyển rác từ nơi trung chuyển đến bãi rác, rồi xử lý rác.

Chính vì thế, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cũng khiến các tổ chức thu gom và xử lý rác thải cũng phải thay đổi theo, làm tốt hơn. Họ có ngân sách để đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải. 

Tôi được biết, để đầu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiên tiến rất là tốn kém, thậm chí lên đến nhiều triệu USD.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trong Dự thảo này, có nội dung quy định với chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị, dân cư tập trung. Dự kiến, Dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2010 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 tới.


 

Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN