Thứ bảy, 14/09/2024 | 19:04
RSS

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội: Đón Giao thừa ngoài đường, ở nhà bệnh nhân là chuyện thường!

Thứ sáu, 24/01/2020, 20:10 (GMT+7)

Theo bác sĩ Thắng, có những đêm giao thừa, người thì trực điều hành ở trung tâm, người thì đón giao thừa ở nhà bệnh nhân, người thì gấp gáp lên đường cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện…

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội: 'Tết nào chúng tôi cũng căng thẳng'
Ngày Tết tại trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội luôn tất bật

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không lúc nào tắt đèn, bất kể ngày hay đêm. Khi có điện thoại báo yêu cầu là ê kíp cấp cứu lại khẩn trương lên đường tới với người bệnh, hay các vụ tai nạn...

Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, người có 16 năm công tác tại đây cho biết, vào những ngày 29, 30 và mùng 1 Tết nhân viên ở trung tâm không nhìn thấy mặt nhau. Thời khắc giao thừa cũng chẳng ai kịp chúc nhau đón một năm mới vui vẻ. Tết năm nào tại trung tâm cũng căng thẳng.

Để chuẩn bị cho dịp Tết Canh Tý, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã phải lên kế hoạch trước 2 tuần về nhân sự, nguồn trang thiết bị để phục vụ chu đáo trong dịp Tết tới. Đặc biệt, là những điểm bắn pháo hoa.

Theo bác sĩ Thắng, mấy năm gần đây số người dùng chất kích thích tăng lên đáng kể nguy hại đến người dân, y bác sĩ, lực lượng công an. Nhiều bạn trẻ sau khi dùng chất kích thích đã đứng trên những nhà cao tầng, cột điện...do vậy các lực lượng chức năng như 113, 114 và 115 phải làm việc hết công suất.

Đáng nói, hàng năm vào những ngày lễ Tết, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông khi sử dụng rượu bia cũng nhiều. Tại trung tâm không thống kể chính xác về số vụ tai nạn giao thông do rượu bia nhưng những bệnh nhân khi được gọi cấp cứu sẽ được ghi trong bệnh án tình trạng bệnh nhân ban đầu sơ cứu rồi chuyển đến viện.

"Mới đây, quy định cấm lái xe sau khi uống bia có hiệu lực, tôi rất ủng hộ quy định này, có như vậy người dân khi uống rượu bia sẽ không sử dụng phương tiện giao thông giảm thiểu được tai nạn đáng kể", bác sĩ Thắng nói.

Chia sẻ về lịch trực Tết, bác sĩ Thắng trải lòng, với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón giao thừa ở bệnh viện một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên tại trung tâm cấo cứu 115 thì gần như đã là đón giao thừa ngoài đường là chuyện thường xuyên.

Đêm 30, mồng 1 hay mồng 2 Tết luôn có họ túc trực tại trung tâm, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Thậm chí Tết các y bác sĩ trực phải làm việc nhiều hơn vì mọi người chia nhau để nghỉ Tết.

Khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân. Với các cán bộ, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội thì hầu như không bao giờ được nghỉ trọn vẹn 3 ngày Tết cùng gia đình.

“Ở đây ngày Tết cũng như ngày thường, thậm chí còn căng thẳng hơn. Nhiều đêm giao thừa, tất cả các kíp trực đều phải lên đường làm nhiệm vụ”- bác sĩ Thắng cho biết.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội: 'Tết nào chúng tôi cũng căng thẳng'
Bác sĩ Thắng chia sẻ về công việc ngày Tết

Bác sĩ Thắng chia sẻ, có những giao thừa, người thì trực điều hành ở trung tâm, người thì đón giao thừa ở nhà bệnh nhân, người thì gấp gáp lên đường cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện…. Đón nhận những thông tin này những người làm công tác quản lý không khỏi chạnh lòng. 

Do đặc thù công việc làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh, người bị tai nạn công cộng, nên công việc thường ngày của nhân viên 115 khá vất vả so với các đồng nghiệp làm việc tại các bệnh viện. Đặc biệt những ngày Tết, Trung tâm phải bố trí tăng cường lực lượng đảm bảo thường trực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân. 

Bác sĩ Thắng tâm sự, trước vợ bác sĩ Thắng cũng làm ở trung tâm này, sau đó để có thời gian chăm lo cho con cái nên đã chuyển xin chuyển công tác. Hai vợ chồng làm 1 cơ quan như vậy vất vả về lịch trực, ngày thường lịch cũng kín, ngày lễ, Tết mọi người được nghỉ thì những cán bộ, nhân viên ở đây lại càng phải làm việc gấp đôi.

Ở đây có 5 cặp vợ chồng làm cùng cơ quan, bác sĩ cho rằng họ là những cặp vợ chồng cực kỳ dũng cảm. Lý giải cho câu nói trên, bác sĩ bảo, làm ở đây, lịch trực nhiều, thu nhập ít, cả tháng 2 vợ chồng chỉ gặp nhau khoảng 10 lần. Về nhà lại còn con cái, học hành nhưng vẫn phải đảm bảo công việc tại trung tâm.

Lương thấp, chế độ đãi ngộ thiếu, công việc lại vất vả, căng thẳng nên y bác sĩ không muốn về công tác tại trung tâm cấp cứu 115. Thậm chí, nhiều người từng gắn bó ở đây đã xin bỏ việc hoặc chuyển chỗ làm.

Bên cạnh đó, công việc ở trung tâm cấp cứu 115 còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dễ bị tấn công. Đơn vị này không được từ chối bất cứ trường hợp cấp cứu nào, bao gồm cả người nghiện hút, nhiễm HIV hay các căn bệnh xã hội khác, nên nguy cơ bị phơi nhiễm rất cao.

“Bình thường, một kíp cấp cứu có 3 người. Gọi là đến, nhưng không biết đó thuộc đối tượng nào. Có thể gặp ngay người ngáo đá, vừa thấy đội ngũ cấp cứu đến là vác hung khí ra. Chúng tôi thường xuyên bị tấn công. Tôi nhớ có lần nhận được điện thoại cấp cứu cho đối tượng sử dụng chất kích thích, 2 nhân viên nữ của trung tâm đến bị đối tượng đuổi phải chạy đi cầu cứu và gọi về trung tâm báo cáo”, bác sĩ Thắng nói.

Các bước tiến hành sơ cứu cơ bản nhất trong dịp Tết khi có tai nạn giao thông 

Bước 1: Gọi người hỗ trợ.

Bước 2: Xem nạn nhân có bị ngừng tim (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ…rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.

Chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.

Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.

Bước 4. Cố định cột sốt cổ, yêu cầu cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dung 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.

Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.

Bước 6: Cố định các vết thương gẵy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.

Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô…tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus/GĐVN