Thứ hai, 29/04/2024 | 02:40
RSS

Trung Quốc dùng công nghệ gì khống chế Covid-19?

Thứ bảy, 02/05/2020, 07:45 (GMT+7)

Trung Quốc tập trung áp dụng 7 chiến lược công nghệ để để phòng chống Covid-19, kể cả khi đại dịch đã giảm đà lây lan ở nước này và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Trung Quốc dùng công nghệ gì khống chế Covid-19?
Robot à một trong những công nghệ·​Trung Quốc sử dụng khống chế Covid-19. Ảnh: Xinhua.

1. Dùng máy bay không người lái (drone) để thông báo, cảnh báo, mang theo biển hiệu in mã QR thật to (để người ở dưới đất dùng điện thoại quét để đăng ký, khai báo thông tin), phun thuốc khử trùng, chuyển đồ, đo nhiệt độ (dùng công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại). Việc quét mã QR, đo nhiệt độ từ xa giảm nguy cơ lây nhiễm giữa nhân viên y tế, tình nguyện viên với cư dân, Tiền Phong đưa tin.

2. Sử dụng robot để phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện (Bắc Kinh, Chiết Giang, Quảng Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam…) và người ở trong khu cách ly. Robot mang đồ dùng, đồ ăn, thuốc men tới tận phòng bệnh nhân và trở lại phòng của y tá.

3. Phát triển công nghệ sinh học (biotech). Các công ty liên quan sinh học, y tế, thực phẩm phát triển các dòng thực phẩm chức năng, bổ dưỡng như mỳ ăn liền “dược” bổ sung các thành phần cải thiện hệ miễn dịch. Các công ty công nghệ, công ty sinh học sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nano, phát triển vắc-xin phòng COVID-19.

4. Phát triển lớp học ảo. Hơn 20 tỉnh thành đã tham gia chương trình học từ nhà. Học sinh tiểu học và trung học học qua livestream. Một số trường đại học cũng áp dụng kiểu học mới này. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cung cấp 24.000 khóa học trực tuyến trên hơn 20 nền tảng online miễn phí. Tất cả để giữ học sinh ở nhà, không ra ngoài, tránh lây nhiễm virus.

5. Khuyến khích làm việc từ xa để giữ người lớn ở nhà, tránh tập trung đông người. Trung Quốc phát triển các ứng dụng nhắn tin nhóm, nhắn tin trong tổ chức, hội nghị từ xa như DingTalk của Alibaba. Các công ty có thể theo dõi nhân viên làm việc hoặc làm thêm giờ thông qua ứng dụng một cách tự động

6. Bán lẻ không người phục vụ để giảm thiểu tương tác con người. Mở các siêu thị hoạt động 24/7, khách hàng tự phục vụ, tự thanh toán. Các trạm xăng của hãng Sinopec bán đồ tạp hóa kiểu không tiếp xúc: người dùng mua online và hàng được chuyển trực tiếp vào cốp xe. Người mua không cần rời khỏi chỗ ngồi, thậm chí không cần mở cửa kính của xe.

7. Xây dựng các thành phố thông minh, kháng virus. Đó chính là việc tích hợp drone, robot, các nền tảng thương mại điện tử, công nghệ sinh học mới. Đầu tư công và tư nhân vào các thành phố thông minh ở Trung Quốc đã lên tới 74 tỷ USD. 

Theo cập nhật từ Tuổi trẻ, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tarik Jasarevic ngày 1/5 bày tỏ hi vọng Trung Quốc sẽ mời các chuyên gia của tổ chức này tham gia cuộc điều tra nguồn gốc của virus corona mới.

Ông Jasarevic nhấn mạnh việc điều tra nguồn gốc virus là cần thiết để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai. Theo đại diện WHO, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc điều tra riêng về nguồn gốc virus, bao gồm xác định các loại động vật được bán trong chợ ở Vũ Hán và nguồn gốc của chúng, lấy mẫu môi trường tại những nơi phát hiện người nhiễm bệnh đầu tiên...

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN