Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:19
RSS

Trung bình mỗi người cao tuổi tại Việt Nam mắc ít nhất 3 bệnh lý

Thứ bảy, 12/11/2022, 18:19 (GMT+7)

Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi.

Thông tin trên Báo Sức khoẻ và Đời sống cho biết, ngày 12/12, Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ 3  do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên với mục đích không ngừng nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đồng thời kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay để tất cả người cao tuổi Việt Nam được sống vui, sống khỏe.

Chia sẻ bên lề hội nghị, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương Nguyễn Trung Anh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017.

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số.

Ông Trung Anh nhận định, người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.

Đồng thời, ông cho biết thêm, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Trung bình mỗi người cao tuổi tại Việt Nam mắc ít nhất 3 bệnh lý

Ảnh minh hoạ

Liên quan đến vẫn đề này, theo Báo Lao động, thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.

Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư..., Ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ...

Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ Trưởng Vụ Truyền thông giáo dục Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho hay, tình trạng này không chỉ làm suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập mà còn làm tăng chi tiêu y tế. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ. Chăm sóc sức khỏe vừa là nhu cầu, vừa là thách thức lớn đối với người cao tuổi. Ngoài ra, bác sĩ cũng lo ngại người cao tuổi gia tăng sẽ là gánh nặng phụ thuộc đối với người lao động.

Trước tình trạng này, các chuyên gia y tế đề xuất để chăm sóc toàn diện cho người già và tiến tới đáp ứng nhu cầu khi tỉ lệ người cao tuổi tăng lên, các bệnh viện đều cần thành lập khoa lão để tiếp nhận điều trị cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần thành lập thêm hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế, trung tâm chăm sóc ban ngày cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, xây dựng các khu nhà ở, chung cư có hệ thống chăm sóc, tiện ích dành riêng cho người già...

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại