Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe được áp dụng từ 1/1/2025. Ảnh minh họa: INT
Trong giấy phép lái xe, mỗi tài xế có 12 điểm/năm. Trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế không được lái xe và phải tham gia kiểm tra kiến thức an toàn giao thông.
Nâng cao ý thức
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2025, giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm và sẽ bị trừ điểm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định: Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.
Như vậy, tùy từng lỗi vi phạm cụ thể sẽ có mức điểm trừ tương ứng đối với điểm GPLX.
Hiện, Chính phủ đang giao Bộ Công an xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX, trong đó quy định mức điểm trừ cụ thể đối với từng lỗi vi phạm.
Dữ liệu trừ điểm GPLX cũng sẽ được cập nhật liên tục lên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý trật tự, an toàn giao thông, nhằm đảm bảo quản lý thống nhất, đồng bộ đối với mỗi người lái xe được cấp GPLX.
Người vi phạm cũng sẽ được thông báo về số điểm bị trừ cũng như số điểm còn lại của mình, để có thể biết mình đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông hay không.
Tại Khoản 2, Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, đối với GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Đối với các trường hợp lái xe đã bị trừ hết 12 điểm, thì theo Khoản 2 Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó.
Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm GPLX, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Vì vậy, để có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đã bị trừ hết điểm, sau 6 tháng kể từ khi bị trừ điểm, lái xe cần tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Điểm sáng về giáo dục pháp luật giao thông
Nhiều ý kiến đánh giá, hiện nay ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Điều đó được chứng minh qua việc xử lý vi phạm giao thông hàng năm ở mức cao, trên 3 triệu trường hợp vi phạm.
Tai nạn giao thông trong nước tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Thêm vào đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
Vì vậy, quy định mới sẽ góp phần quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định mới sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Thêm vào đó, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.
Việc tính điểm trên GPLX là một giải pháp đã được một số nước phát triển trên thế giới áp dụng. Để triển khai được việc này phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm.
Làm sao phải công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình đang ở đâu để điều chỉnh kịp thời. Song song đó, việc xử lý vi phạm cũng phải công khai minh bạch. Mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lúc đó việc tính điểm GPLX mới phát huy hiệu quả.
Chứng kiến nhiều trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, anh Lê Công Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, quy định mới được áp dụng sẽ hạn chế rất nhiều các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
“Hình thức trừ điểm trên GPLX khả thi, vì có thể sẽ hạn chế được tình trạng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ gây nguy hiểm. Đối với việc quy định nếu GPLX bị trừ 12 điểm thì phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng tạo nhiều thuận lợi. Việc này thực hiện ai cũng có kiến thức, bây giờ mà phải thi lại chỉ là làm lại thủ tục sẽ rất mất công, mất thời gian”, anh Minh nói.
Mỹ, Anh, Singapore, Trung Quốc Na Uy... đang áp dụng quy định trừ điểm GPLX đối với những hành vi vi phạm luật giao thông để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông. Trong đó, Na Uy quy định trừ 3 điểm đối với lỗi đỗ xe sai vị trí hay vượt đèn đỏ, trừ 2 điểm đối với trường hợp vượt quá tốc độ cho phép 15 - 20 km/h (khi vận tốc tối đa là 70 km/h). Nếu bị trừ 8 điểm trong 3 năm, lái xe sẽ bị tước bằng 6 tháng...