Thứ năm, 02/01/2025 | 13:41
RSS

Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực: Hết 'nhờn' với vi phạm giao thông

Thứ năm, 02/01/2025, 13:41 (GMT+7)

Theo Cục CSGT, Nghị định 168 được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, kiểm tra nồng độ cồn lái xe.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, lỗi không chấp hành tín hiệu đèn với ô tô sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng, nhiều lỗi vi phạm giao thông khác cũng tăng hàng chục lần.

Vượt đèn đỏ bị phạt tới 20 triệu đồng

Theo Cục CSGT, hiện nay tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội, cho người dân; tình trạng vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến, cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông.

Chính vì vậy, Ban soạn thảo Nghị định 168 sau quá trình nghiên cứu, kế thừa những kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định 100, tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia…, nhận thấy rằng cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.

Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về quy tắc giao thông: Không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy lạng lách, đánh võng; rải vật sắc nhọn... Đây là những hành vi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều các vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua.

Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước như: Xe không gắn biển số, gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che dán biển số; cơi nới kích thước thành thùng xe... vì hiện nay, rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động phạm pháp, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hoạt động tội phạm, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, trốn tránh phạt “nguội” của hệ thống giám sát, do vậy cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

Theo Cục CSGT, kinh nghiệm của việc thực hiện Nghị định 100 đối với việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đến nay bước đầu đã tạo dựng được thói quen “đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông” của người dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Với Nghị định 168 mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây TNGT, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao, thậm chí tịch thu phương tiện đối với một số hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền được nâng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng, vi phạm nồng độ cồn ở mức từ 0,25mg - 0,4mg/l khí thở hoặc từ 50mg - 80mg/100ml máu sẽ được tăng mức xử phạt thêm 2 triệu đồng (từ 16 - 18 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng).

Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành.

Đồng thời, các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2 - 3 lần so với hiện hành. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mức xử phạt cũng nâng cao hơn so với hiện hành.

Tăng mức phạt với nhiều lỗi vi phạm giao thông từ 1/1/2025.

Ưu tiên sử dụng giám sát, camera cầm tay

Theo đại diện Cục CSGT, Nghị định 168 được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập.

Trong đó lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy… Ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến.

Cục CSGT nhấn mạnh, để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, việc tăng mức xử phạt để kiềm chế TNGT.

Cục CSGT cũng cho biết, đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về ATGT để tập trung xử lý nghiêm vi phạm giao thông. Trong đó, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông. Qua đó góp phần dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, chỉ huy Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đang triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu xuân năm 2025.

“Từ nay đến ngày 14/2/2025, cùng với lực lượng CSGT Thủ đô, đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT góp phần làm giảm tình trạng ùn, tắc và TNGT. Bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân... dịp cuối năm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu xuân năm 2025...” - vị chỉ huy Đội CSGT số 6 thông tin.

Đội CSGT số 6 cũng cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực lan tỏa những hành động đẹp, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trên đường về quê ăn Tết, trở lại thành phố học tập, lao động bằng những hành động thiết thực, thể hiện tinh thần “Đâu dân cần Cảnh sát giao thông có, đâu dân khó có Cảnh sát giao thông”; những hình ảnh đẹp, những đóng góp của lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đăng Chung
Theo Giáo dục & Thời đại