Liên quan đến việc người dân dùng tiền lẻ để trả phí khi đi quan trạm BOT số 1, Quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên), Đại tá Đỗ Đình Hào (Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên) cho biết, cơ quan Công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ hành vi gây rối an ninh trật tự.
Theo ông Hào, công an xác định có hành vi cố tình gây rối, mất an ninh trật tự của một số lái xe ở trạm thu phí quốc lộ 5. Việc này cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật Sau phát ngôn này của Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, dư luận đã có những phản ứng trái chiều. Đa phần, dư luận không đồng tình với quan điểm mà ông Hào đưa ra.
PV báo điện tử VTC News đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty luật Đại Nam, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) về vấn đề này.
- Thưa ông, luật pháp có quy định cấm người dân dùng tiền lẻ để giao dịch, mua bán, trả phí không? Quy định nào nêu rõ, thế nào là tiền lẻ - tiền chẵn?
Hiện tại, không có điều luật nào quy định cấm công dân giao dịch bằng tiền lẻ. Khái niệm tiền lẻ - tiền chẵn, chỉ là khái niệm do người dân tự đặt ra nhằm chỉ những đống tiền có mệnh giá cao - thấp, chứ luật pháp hay các quy định Nhà nước không có quy định nào về tiền lẻ - tiền chẵn.
- Việc người dân dùng tiền lẻ trả phí khi qua trạm BOT, có đủ căn cứ hoặc dấu hiệu gây rối bị Công an Hưng Yên triệu tập không, thưa ông?
Để khởi tố vụ án, phải có dấu hiệu phạm tội. Việc người dân dùng tiền lẻ trả phí khi qua trạm BOT, chỉ là một giao dịch dân sự, không hề vi phạm bất kỳ một quy định nào. Do đó, không có căn cứ để cho rằng, hành vi đó là gây rối.
Việc cơ quan công an chưa đủ căn cứ (hoặc hiểu, vận dụng sai pháp luật) mà đã triệu tập là không đúng pháp luật. Giấy triệu tập chỉ được áp dụng khi đã khởi tố vụ án, thì điều tra viên được phân công có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;... ( theo điều 35 bộ luật Tố tụng Hình sự 2003).
- Nhiều ý kiến cho rằng, người dân dùng tiền lẻ để trả phí là để phản đối dự án BOT. Theo luật sư, hành động này có đủ căn cứ khởi tố về hành vi “gây rối, kích động” không?
Với quan điểm của riêng cá nhân tôi, việc người dân dùng tiền lẻ để trả phí là để phản đối dự án BOT và nó không đủ căn cứ khởi tố về hành vi “gây rối, kích động”.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận là việc cản trở giao thông là hành vi vi phạm. Vấn đề là trạm BOT đó gây cản trở hay những lái xe gây cản trở?
Mục đích của Đảng, Nhà nước cho phép đầu tư theo hình thức BOT là để tăng cường năng lực giao thông, góp phần phát triển đất nước bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân.
Nhưng, một số trạm thu phí BOT lại bị những người đáng lẽ hưởng lợi từ dự án này phản đối. Đó là những doanh nghiệp, người dân…, vì họ cho rằng có nhiều sự vô lý, bất cập trong dự án BOT.
Thực tế, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án BOT, ngoài ra, người dân còn đặt câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm trong các dự án?
Nếu điều đó là sự thật thì việc gây cản trở giao thông, vi phạm pháp luật lại không phải là những tài xế mà là những người liên quan đến sự xuất hiện và tồn tại của những trạm thu phí BOT đó.
Vì vậy, việc các cơ quan pháp luật phải vào cuộc để làm rõ, có sự vô lý, sai phạm, lợi ích nhóm trong dự án BOT không là việc làm rất cần thiết và cấp bách.
"Pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào cầm người dân dùng tiền lẻ để thanh toán. Thậm chí còn có quy định: Trên lãnh thổ Việt Nam nghiêm cấm việc từ chối thanh toán bằng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Việc người dân dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua các trạm BOT, không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự về hành vi gây rối như Công an Hưng Yên triệu tập. Thực tế, người dân trả tiền lẻ để phán đối BOT đi chăng nữa thì cũng không là căn cứ để khởi tố hình sự về tội gây rối trật tự công cộng trừ trường hợp có hành động cụ thể để lôi kéo, kích động nhiều người tham gia", luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng ban Tranh tụng VP luật Phạm Hồng Hải và Cộng sự). |