Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:58
RSS

Trẻ tự rạch tay do 'Rối loạn nhân cách ranh giới': Hồi chuông cảnh báo tới phụ huynh

Thứ ba, 19/03/2024, 11:12 (GMT+7)

Do bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và áp lực từ việc học tập, nữ sinh lớp 8 ở Hà Nội đã liên tục rạch tay tự gây tổn thương cho mình.

Tại hội thảo truyền thông với chủ đề "Rối loạn nhân cách ranh giới" diễn ra chiều ngày 18/3, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Phòng tâm thần nhi - vị thành niên, Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ về một ca bệnh có hành vi tự làm hại bản thân.

Theo đó, bệnh nhân là nữ, 14 tuổi, đang học lớp 8 ở Hà Nội Gia đình bệnh nhân cho biết, trẻ trưởng thành bình thường và không có tiền sử lạm dụng thuốc. Trước đó, tính tình trẻ vui vẻ, có học lực khá giỏi và không có xích mích với bạn bè. Nhưng trong gia đình bố mẹ hay cãi vã và xảy ra mâu thuẫn, thêm vào đó là áp lực từ việc học tập khiến trẻ cảm thấy bức bối ức chế, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, cáu gắt với mọi người.

Người nhà nhận thấy cảm xúc trẻ thay đổi thất thường, lúc vui vẻ nói cười, có lúc ngồi khóc một mình, sử dụng nhiều internet. Bên cạnh đó, trẻ cũng dần trở nên bướng bỉnh, không vâng lời người lớn, thiếu tập trung xao nhãng học tập nên học lực dần sa sút, thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp và cáu gắt mắng chửi em gái.

Lúc đầu, người nhà nghĩ trẻ đang ở tuổi bướng bỉnh dậy thì, nên cố "nhịn", nương theo con, nhưng những diễn biến của trẻ vẫn rất bất thường, đỉnh điểm là người nhà phát hiện trẻ tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay nên đã đưa trẻ đến đến Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) khám.

nữ sinh tự rạch tay do Rối loạn nhân cách ranh giới hồi chuông cảnh báo tới phụ huynh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo bác sĩ Yến, thời điểm được đưa đến bệnh viện, hai tay trẻ tổn thương do tự rạch, có cả vết thương cũ và mới. Ngoài ra, trẻ có tình trạng buồn chán, cáu gắt.

Chia sẻ với các bác sĩ, bệnh nhi cho biết, bản thân lo sợ bị bỏ rơi, dễ trở nên cáu gắt, bùng nổ cảm xúc khi nghĩ rằng người khác tỏ sự coi thường hay muốn làm tổn thương mình. Dần dần, bệnh nhi thu mình, trầm tính hơn, ít giao tiếp với người thân, bạn bè trước mà kết bạn với các bạn bè trên mạng chia sẻ điều tiêu cực. Qua mạng internet, bệnh nhi thành lập nhiều nhóm với mục tiêu chia sẻ với nhau những tiêu cực và hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc bằng việc tự gây thương tích.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn nhân cách ranh giới.  Sau điều trị, cảm xúc của bệnh nhi ổn định hơn, không có hành vi bất thường.

Liên quan đến bệnh rối loạn nhân cách ranh giới, Bác sĩ Lê Công Thiện - Phó trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Theo bác sĩ Thiện, bệnh này phổ biến ở thanh thiếu niên, chiếm 11% ở bệnh nhân tâm thần ngoại trú và lên đến 50% ở bệnh nhân nội trú. Nguyên nhân mắc chứng bệnh này là do di truyền; thay đổi dẫn truyền thần kinh; rối loạn phát triển não bộ hoặc do môi trường sống.

Một số biểu hiện của bệnh như: luôn có suy nghĩ bị bỏ rơi, thậm chí là nổi giận không đáng có khi kế hoạch bị thay đổi, hay phải hủy bỏ cuộc hẹn; hành vi tự hủy hoại hay làm hại bản thân, cố gắng tự tử thường xảy ra khi chia tay một mối quan hệ hay mất việc làm, thất bại trong trường học; đánh bạc, tiêu tiền một cách vô độ, ăn uống vô độ, lạm dụng chất kích thích, quan hệ tình dục không an toàn, lái xe thiếu thận trọng;…

Bác sĩ Thiện cảnh báo, hiện nay có nhiều người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới nhưng không biết mình mắc bệnh. Bệnh nhân thường đến cơ sở y tế trong giai đoạn của một đợt rối loạn tâm thần khác, bao gồm rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn liên quan đến stress hoặc rối loạn sử dụng chất kích thích. Trên thực tế, từ 8-10% người có hành vi làm tổn thương hoặc đe dọa tự sát đã tự sát hoàn thành.

Do đó, người nhà cần phát hiện các hành vi bất thường của thanh thiếu niên để đưa đi điều trị kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ thăm khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần khoảng 6 tháng/lần.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại