Trẻ lớp 1 biết đọc, biết viết sau khi hết kỳ 1 chính là món quà Tết ý nghĩa nhất với các thầy cô nhân dịp xuân mới Nhâm Dần 2022.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Mùa xuân mới đang ngập tràn từng căn nhà góc phố. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng đến với thầy trò của huyện Côn Đảo với rất nhiều hi vọng và mới mẻ. Năm học 2021-2022 đã đi hết nửa chặng đường trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Ngành giáo dục huyện Côn Đảo đã có những bước đi linh hoạt để duy trì, ổn định công tác dạy và học, đảm bảo tiến độ chương trình cũng như yêu cầu chuyên môn.
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Côn Đảo nhấn mạnh, với đặc thù về mặt địa lý nằm cách xa đất liền nhưng địa phương này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch Covid-19. Trong giai đoạn từ 23/11 đến 13/12/2021, đơn vị đã tham mưu với UBND huyện ra quyết định cho toàn bộ hơn 2.800 học sinh trên địa bàn chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học online. Thầy trò cùng học trực tuyến thông qua các ứng dụng như Google Meet, Microsoft Teams...
Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 ở Côn Đảo cơ bản đều học trực tiếp. Khi học trực tiếp, các em đã biết cách đọc, viết tính toán cơ bản. Vì vậy khi chuyển sang học trực tuyến, trẻ nhanh chóng tiếp thu được bài học. Các giáo viên chủ nhiệm khối 1, 2 rà soát, kiểm tra năng lực của các em còn yếu để có giải pháp giảng dạy phù hợp như kèm thêm vào thời gian từ 16h30 đến 17h30 một số ngày trong tuần.
Học kỳ 1 vừa qua, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 trên địa bàn được đánh giá bằng hình thức trực tiếp theo Thông tư số 27/2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác...
Được học trực tiếp trên lớp, học sinh tiếp thu bài tốt hơn so với chỉ học online trong thời gian dài.
Chia sẻ về điều này, cô Phạm Phương Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc cho biết, giáo viên luôn động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp các em cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Nhận xét của giáo viên cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và phải chỉ ra được nội dung mà học sinh cần phải điều chỉnh thì thầy cô mới có thể giúp học sinh tiến bộ trong học tập.
"Nhà trường cũng dạy tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào trong Hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học (Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội Đạo đức….) theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên vận dụng các phương pháp hình thức tổ chức để giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo để các em có thêm cơ hội trải nghiệm và có thể vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tiễn, góp phần hình thành phát phẩm chất, năng lực cốt lỗi của học sinh tiểu học.
Trong quá trình dạy học giáo viên lưu ý những nội dung bất cập, không hợp lý với học sinh…. góp ý để cập nhật điều chỉnh đối với sách và tài liệu giáo dục địa phương sao cho phù hợp với học sinh lớp 1, lớp 2. Về cơ bản, nhà trường tận dụng 'thời gian vàng' học trực tiếp để dạy cho học sinh các kỹ năng, kiến thức cơ bản để các em nắm được. Theo kết quả kiểm tra đánh giá cuối kỳ 1 vừa qua, số trẻ lớp 1 đọc thông viết thạo đạt tỷ lệ khá cao" - cô Mai cho hay.
"Trẻ biết đọc biết viết là món quà lớn nhất"
Một giờ học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc.
Là giáo viên công tác tại Côn Đảo từ năm 2004, cô Trương Thị Quyên - Giáo viên lớp 1A Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc chia sẻ, học kỳ vừa qua, cô trò có một thuận lợi rất lớn là đa số thời gian được học trực tiếp trên lớp. Từ đó, cô có thể 'cầm tay chỉ việc' cho các em nắn nót từng nét viết, từng phép toán cơ bản để trẻ nắm được. Điều này sẽ là một thách thức lớn với cô trò nếu chỉ dạy qua trực tuyến
"Khi dạy trên lớp, trẻ tiếp thu bài dễ dàng hơn. Trong giờ hướng dẫn học, các em mà sai thì cô có thể hướng dẫn trò sửa được luôn. Với một số trẻ ra từ đất liền và học chậm hơn các bạn, cô sẽ kèm và dạy cách viết từng nét chữ.
Cá biệt, có em còn khóc và sợ không chịu đi học nhưng cô luôn vỗ về, động viên tinh thần bằng cách thưởng kẹo. Sau khoảng hai tuần, em đã có sự tiến bộ vượt bậc. Đến nay, đa số các em đã tự biết đọc, biết viết những nét chữ cơ bản nên thầy cô rất mừng. Đây chính là món quà Tết ý nghĩa nhất đối với giáo viên chúng tôi", cô Quyên tâm sự.
Gắn bó với ngành giáo dục của huyện đảo từ năm 2011, cô Nguyễn Thị Vân - Giáo viên lớp 2G Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm bên học trò nơi đây. Thời gian đầu khi mới chuyển công tác từ Nghệ An ra Côn Đảo, cô cũng gặp không ít khó khăn. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đến nay cô Vân đã bắt nhịp và làm quen với công việc, được đông đảo phụ huynh tin yêu và gửi gắm con theo học.
Được cô giáo hướng dẫn trực tiếp trên lớp học sinh cảm thấy hứng thú hơn so với học trực tuyến.
Trước khi triển khai giảng dạy chương trình sách giáo khoa lớp 2 mới, cô Vân cũng như các giáo viên khác đều tích cực tham gia các lớp tập huấn do Phòng GD&ĐT huyện tổ chức, các buổi dạy mẫu có sự tham gia của chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh. Từ đó, các cô rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào thực tế mỗi lớp. Học sinh được học trực tiếp nên khả năng tiếp thu bài tốt, hứng thú với phương pháp dạy học mới, sách có nhiều hình ảnh minh họa sinh động. Vì vậy, kết quả học kỳ 1 của các em có sự tiến bộ rõ rệt.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo Nguyễn Văn Mạnh cho hay, trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và bố trí đủ giáo viên đ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng để dạy lớp 2. Kế hoạch dạy học xây dựng theo hướng mở, linh hoạt; đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục; thời khóa biểu sắp xếp khoa học, phù hợp thực tế địa phương và của trường. |