Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:15
RSS

Trẻ em sau khi khỏi Covid-19 có nên tiêm vaccine?

Thứ năm, 17/03/2022, 16:05 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh băn khoăn có nên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi đã từng là F0 hay không khi sắp tới nhóm trẻ 5 - 11 tuổi sẽ được tiêm vaccine.

Thông tin trên sức khỏe & đời sống cho biết, theo kế hoạch, nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới. Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 14h30 ngày 17/3 cho biết cả nước đã tiêm hơn 201 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó ngày 16/3, cả nước tiêm 349.871 liều vaccine.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.058.725 liều, trong đó mũi 1: 8.749.598 liều; Mũi 2: 8.309.127 liều. Với trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã triển khai việc mua trước mắt 21,9 triệu liều vaccine Pfizer. Tổng số trẻ em độ tuổi từ 5-11 là khoảng 11,5 triệu.

Khi nhóm trẻ 5 - 11 tuổi sẽ được tiêm vaccine, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết có nên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi đã từng là F0 hay không.

Chia sẻ về vấn đề này trên Dân Việt, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra khuyến cáo trẻ em mắc Covid-19 sau 3 tháng thì người dân có thể tiếp tục đưa con đi tiêm chủng vaccine Covid-19 để tăng cường nồng độ kháng thể, chống lại virus. 

"Theo các nghiên cứu cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi vaccine Covid-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ măc Covid-19 từ 3 tháng trở ra thì người dân có thể tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 cho con em mình để bổ sung tăng cường nồng độ kháng thể chống lại virus trong cơ thể của trẻ em", PGS Điển nhận định.

Trẻ em mắc Covid-19, có nên tiêm vaccine?

Trẻ em mắc Covid-19 sau 3 tháng vẫn nên tiêm vaccine. Ảnh minh họa.

Trả lời trên Tuổi trẻ, bà Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay, đối với trẻ em mắc Covid-19 cũng giống người lớn, nên để sức khỏe phục hồi hoàn toàn mới tiêm vắc xin. "Kế hoạch sắp tới nước ta sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Với trẻ ở độ tuổi này, Bộ Y tế vẫn đang nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn cụ thể", bà Hồng nói thêm.

Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cập nhật, hiện có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 mới đây, chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Chia sẻ về vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em trên Sức khỏe & đời sống, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là nguy cơ. Việc chích ngừa vaccine cho trẻ là xu hướng toàn cầu. 

Trao đổi thêm về vấn đề này trên Dân Việt, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo các khuyến cáo hiện nay người đã mắc Covid-19 vẫn nên đi tiêm vaccine Covid-19 vì kháng thể sau khi mắc chỉ tồn tại khoảng 3 -6 tháng.

Do đó, sau khi mắc Covid-19 khoảng 3 tháng, người dân có thể tiếp tục bổ sung các mũi vaccine Covid-19 để chống lại bệnh tật. Đối với trẻ em, PGS Nga cũng cho rằng, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở thể nhẹ cao hơn ở người lớn. Tuy nhiên, trẻ có bệnh nền, có bệnh tiềm tàng trong cơ thể, trẻ béo phì vẫn gặp nguy hiểm nếu mắc Covid-19, thậm chí tử vong. Do đó, vẫn phải bảo vệ trẻ em không nhiễm Covid-19 là tốt nhất, khi trẻ mắc Covid-19 thì chăm sóc trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế, khi có các dấu hiệu nguy hiểm cần cho trẻ nhập viện.

Trẻ em mắc Covid-19, có nên tiêm vaccine?

Người lớn và trẻ em vẫn nên tiêm vaccine kể cả khi đã nhiễm virus. Ảnh minh họa.

Trả lời câu hỏi vì sao đa số trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng và triệu chứng nhẹ nhưng vẫn nên tiêm vaccine, TS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), đã giải thích trên Sức khỏe & đời sống. Ông cho biết, qua quá trình làm việc với các bệnh viện, các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ mắc hội chứng hậu Covid-19, viêm đa tạng hay biến chứng bất lợi như viêm cơ tim chiếm tỷ lệ không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vaccine. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán Covid-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện bệnh viện này đang điều trị 10 bệnh nhân Covid-19, thời gian qua đã có 5 trẻ tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Tình trạng này xảy ra ở một số người rất nặng, phải điều trị kéo dài và tốn kém. Trong khi triển khai mũi tiêm, chúng ta đã có nền miễn dịch tuy nhiên chưa cao ở một số bé. Vaccine hạn chế virus xâm lấn ở phủ tạng sâu, từ đó hạn chế tổn thương sau này.

"Đây là cơ sở để khuyến cáo người dân tiêm vaccine, kể cả khi đã nhiễm virus" - TS. Thái nhấn mạnh, những bài báo liên quan đến hội chứng hậu Covid và tác dụng của vaccine cũng đã được đăng tải trên các tạp chí uy tín thế giới như Nature và Science cho thấy vaccine hiệu quả.

Ông cho biết thêm, vaccine cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5-11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Những báo cáo qua hàng chục triệu liều tiêm ở nhiều nước đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi cho thấy tỷ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy. Nhưng những phản ứng khác như sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ vẫn có và mức độ thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những đối tượng trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 là những người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần; chống chỉ định với những người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước) và có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

 

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại