Thứ sáu, 11/10/2024 | 12:34
RSS

Trào lưu 'lớp học tỏ tình' gây sốt tại Trung Quốc

Thứ sáu, 27/12/2019, 07:41 (GMT+7)

Trong một lớp học tại Đại học Thượng Hải, hơn 100 sinh viên đang chăm chú lắng nghe giảng viên của họ thuyết trình qua một video mà trong đó, một nam thanh niên đang xắn quần lội nước để giúp bạn gái mình băng qua một cây cầu bằng gỗ.


Một học viên nữ tham gia lớp học về tình cảm của giáo sư Li Chen (Ảnh: Sky News)

"Nếu anh ấy là bạn trai của bạn, bạn sẽ nghĩ gì?" giảng viên tên Li Chen đặt câu hỏi.

Anh sau đó ra hiệu cho một nữ sinh viên trong lớp: "Hình như bạn đang có bạn trai thì phải. Hãy cho chúng tôi biết bạn nghĩ gì về chàng trai này?"

"Mối quan hệ sẽ kết thúc!" nữ sinh viên đáp.

Đoạn video tiếp theo cho thấy một cô gái đang lưỡng lự khi chuẩn bị nhảy bungee, thì bị bạn trai của cô đẩy xuống.

"Từ biểu cảm trên khuôn mặt của cô gái, bạn thấy gì?", Li hỏi tiếp, "Cô ấy rất phấn khích. Anh chàng này đã làm những gì mà một người bạn trai nên làm.

Sau cùng, đây là bài học hôm nay: "Hãy nhớ rằng, sự phấn khích quyết định chất lượng tình yêu của bạn. Nếu không có hứng thú, bạn không thể có tình yêu."

Một bài giảng như vậy thực chất chỉ là một phần trong các khóa học hướng dẫn thiết lập các mối quan hệ khác giới, hiện đang được giảng dạy ở ít nhất 9 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc

Vì một số lý do, việc gây dựng tình cảm đang là vấn đề khó khăn đối với người dân nước này, đặc biệt là đối với đàn ông

Năm ngoái, số lượng nam giới tại Trung Quốc đã hơn nữ giới tới 32 triệu người. Hậu quả là lượng đàn ông muốn tìm kiếm những mối quan hệ khác giới đang ngày một ít đi.


Những "lớp học tỏ tình" như của giáo sư Li Chen đang ngày càng phổ biến trong các trường Đại học ở Trung Quốc (Ảnh: Sky News)

"Trong quá khứ, các gia đình thường sống quây quần quanh các khoảng sân lớn," Li Chen nói, "Điều này giúp việc “hóng chuyện” giữa các gia đình khác nhau trở nên dễ dàng khi mọi người trưởng thành. Bản thân các bậc cha mẹ cũng là những ví dụ điển hình cho con cái của họ.

Nhưng Trung Quốc giờ đây đã phát triển quá nhanh. Ngày càng có nhiều người chuyển đến sống trong căn hộ. Vì thế, trẻ em đang mất đi cơ hội được chứng kiến cuộc sống của các gia đình khác.

Kiến ​​thức về tình yêu và hôn nhân của giới trẻ bây giờ rất hạn chế. Vì vậy, thông qua các giảng viên và trường đại học, chúng tôi muốn được biểu đạt vấn đề này cho sinh viên một cách trực tiếp, để họ có thể hiểu thế nào là một cuộc hôn nhân tốt.

Chúng tôi truyền cho họ động lực và dạy họ các kỹ năng: cách giao tiếp với người khác, làm thế nào để hòa hợp với người khác giới, những điều cần lưu ý trong tình yêu."

Li ước tính chỉ có 1/3 số học viên của mình có thể tiếp thu các bài giảng một cách tự nhiên, gồm cả các hoạt động thực tế như chèo thuyền cùng nhau trên hồ:

“Phần còn lại ‘vẫn cần rất nhiều việc để làm’. Họ cần ai đó để thúc đẩy, và tôi chính là người như vậy. Tôi phải vận dụng mọi cách có thể để kích thích sáng kiến ​​từ phía họ".

Một học viên nam nói với chúng tôi sau giờ học rằng các bài học rất mang tính thực tiễn: ‘Tôi thấy rằng sau lớp học này, tôi đã quen được với nhiều cô gái hơn, và mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên sâu sắc hơn. Tôi đã hiểu nhiều hơn về những suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm ​​của họ’."

Những lớp học như thế này có vẻ khá kỳ quặc, nhưng chúng đều được giới học sinh viên đánh giá cao. Hầu hết trong số họ đã dành cả tuổi thiếu niên để chuẩn bị cho kỳ thi Cao Khảo, quyết định trường đại học và sự nghiệp tương lai của mình, nên không thể dành nhiều thời gian cho việc giao tiếp xã hội.


Theo thống kê vào năm ngoái, số lượng nam giới tại Trung Quốc đang đông hơn nữ giới 32 triệu người (Ảnh: Sky News)

Giáo sư Li cho biết đây là một vấn nạn của toàn xã hội Trung Quốc: "Lãnh đạo cấp cao nhất của chúng tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, đã nói với giới trẻ rằng hãy phát triển một trí tuệ và cảm xúc trưởng thành bằng cách luyện tập. Vì vậy, cảm xúc là một phần rất quan trọng."

Một nguyên nhân khác của vấn nạn trên là tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng tại Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là số đàn ông cô đơn, chán chường đang nhiều hơn. Và nó có thể dẫn đến những bất ổn xã hội, gây biến dạng trong lực lượng lao động và thậm chí gia tăng nạn buôn người qua biên giới.

Dù vậy, với những người khác, công nghệ vẫn được coi là một giải pháp tiềm năng.

Si Jiawei và Jing Jing lần đầu biết nhau qua Tantan, một ứng dụng hẹn hò trên smartphone tại Trung Quốc, tương tự ứng dụng Tinder.

Họ cùng đề xuất một buổi gặp mặt trực tiếp và dành cho nhau những đánh giá rất điển hình tại Trung Quốc.

"Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh ấy không được tốt cho lắm," Jing Jing nói. "Anh ấy quá thấp đối với tôi."

"Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô ấy, là tôi cho rằng cô ấy rất béo", Si Jiawei trả lời.

Rất may tình yêu của hai người vẫn che mờ tất cả khiếm khuyết trên. Giờ đây họ đã kết hôn và sống với nhau rất hạnh phúc, ngay cả sau khi Si Jiawei thừa nhận đã photoshop ảnh đại diện của mình trên Tantan.

Trào lưu 'lớp học tỏ tình' gây sốt tại Trung Quốc
Vợ chồng Jing Jing và Si Jiawei đến với nhau nhờ Tantan, một ứng dụng hẹn hò trên smartphone của Trung Quốc (Ảnh: Sky News)

"Những người trẻ bây giờ không giống như các thế hệ trước", Si Jiawei giải thích, "Thật khó để họ tìm được bạn gái. Vòng tròn quan hệ của họ thường rất nhỏ. Với những người bạn thân, bạn sẽ không bao giờ gây dựng tình cảm được với họ. Còn đối với những người học cùng lớp đại học, thì hầu hết trong số họ đã có bạn gái hoặc bạn trai trước khi tốt nghiệp.

Còn khi đã đi làm, bạn vẫn có thể gặp các đồng nghiệp nữ, nhưng họ không nhiều. Vì thế, bạn chỉ biết được rất ít cô gái mà thôi.

Nếu chỉ biết ít người, làm thế nào để bạn có người yêu? Vô ích thôi. Vì vậy, loại ứng dụng này có thể giúp bạn gặp người khác giới một cách dễ dàng hơn.

Sau đó, làm thế nào để phát triển, đó lại là một câu chuyện khác. Nhưng sự khởi đầu bao giờ cũng rất quan trọng, và nền tảng này cho chúng ta cơ hội để biết thêm nhiều người khác giới hơn."

Việt Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN