Thứ tư, 24/04/2024 | 01:12
RSS

Tranh cãi về tài liệu đọc thơ theo ô vuông, tam giác: Bộ GD lên tiếng

Thứ bảy, 08/09/2018, 14:40 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức lên tiếng về tài liệu đọc thơ theo ô vuông, tam giác mà cư dân mạng tranh cãi những ngày qua.

Thời gian gần đây, theo Thời Đại, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến khi được thử nghiệm tại các trường Tiểu học khắp cả nước. Nhiều phụ huynh lo ngại những từ ngữ tiêu cực, bài học hàm nghĩa xấu, cách phát âm "lạ" không phù hợp với con trẻ chỉ mới 7 tuổi.

Đặc biệt trong nhiều đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ ngữ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ. 

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, 2 câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" được phiên âm phía trên. Hàng phía dưới được biểu thị bằng hai dòng gắn hình vuông màu cam. Cuốn sách này chú thích "Có bao nhiêu tiếng, có bấy nhiêu khối hình". Ở bài đồng dao "Bống bống bang bang/Lên ăn cơm vàng/Cơm bạc nhà ta", dưới phần chữ là 12 hình tròn màu xanh, sắp xếp 4 hình trong một hàng.

Sau khi những đoạn clip đọc chữ khó hiểu của trẻ nhỏ được đăng tải, rất nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo lắng. Họ cho rằng cách học này cực khó hiểu và không tốt bằng phương pháp trước đây. Nhiều người đã tìm cách "chất vấn" con cái mình, bắt con chỉ vào từng ô vuông và thắc mắc chữ đâu ra mà con đọc vanh vách như thế? Nhiều bé đã không trả lời được câu hỏi này. Có trường hợp phụ huynh bực mình và yêu cầu con không cần phải đến trường nữa, bố mẹ sẽ giảng dạy theo cách học truyền thống trước đây.

Nhiều phụ huynh có con em vừa vào lớp 1 liên tục bày tỏ lo lắng trước cách học theo chương trình kiểu mới. Họ khẳng định, cách học từ ngày xưa vẫn giúp bao thế hệ biết đọc biết viết, việc gì phải cải cách rồi gây hoang mang trong dư luận.

Tranh cãi về tài liệu đọc thơ theo ô vuông, tam giác: Bộ GD lên tiếng
Trang sách gây tranh cãi 

Trước những ồn ào về tài liệu TV1-CNGD, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức lên tiếng về việc này. TS. Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho Lao Động biết: Tài liệu TV1-CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

“Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương”, Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu TV1-CNGD.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường.

Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số. Bộ GDĐT cũng cho biết sẽ không mở rộng triển khai chương trình để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.


Xem thêm: Hành trình lên kế hoạch chế tạo súng và cướp nhiều ngân hàng của 2 tên cướp

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN