Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:59
RSS

Tranh cãi gay gắt việc học sinh đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học

Thứ ba, 05/05/2020, 19:47 (GMT+7)

Liên quan đến việc học sinh đeo tấm chắn giọt bắn đi học, người ủng hộ thì cho rằng đây là biện pháp an toàn để phòng chống Covid-19, người lại nhận định đeo tấm chắn có thể gây hại và không cần thiết.

Hôm qua ngày 4/5, hàng triệu học sinh trên cả nước đã quay trở lại trường học sau thời gian dài phải ở nhà để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống Covid-19, các trường học đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch nghiêm túc như kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách đúng quy định,... 

Đáng chú ý, có nhiều trường đã chuẩn bị sẵn cho học sinh tấm chắn giọt bắn. Những tấm chắn này bằng nhựa hoặc mê-ca trong suốt, che kín mặt các em để phòng tránh tối đa việc tiếp xúc giọt bắn. Theo chia sẻ, tại những trường áp dụng biện pháp này bao gồm cả trường THPT, THCS, tiểu học và cả mẫu giáo, các em học sinh được yêu cầu đeo tấm chắn trong suốt quá trình học tập trên lớp.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tranh cãi gay gắt việc học sinh đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học. Ảnh: Vietnamnet

Tấm chắn giọt bắn vốn được biết đến là dụng cụ hữu hiệu phòng chống Covid-19. Tuy nhiên khi được sử dụng tại các lớp học biện pháp này lại nhận khá nhiều ý kiến trái chiều đặc biệt là từ các phụ huynh.

Trao đổi với báo chí, chị Vũ Hằng (một phụ huynh ở Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm: "Bố mẹ trang bị kính chống giọt bắn cho con đi học, người ủng hộ thì ít, người chửi phản đối thì nhiều. Riêng tôi, tôi ủng hộ bởi chẳng có gì đáng lên án ở đây cả.

Tôi cũng có con trong độ tuổi tiểu học, nếu được tôi cũng muốn cả lớp của con được trang bị mũ để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.Chẳng ai dám chắc học sinh sẽ không nô đùa, ôm vai bá cổ vào giờ giải lao và cũng không ai tự tin các cháu sẽ luôn ý thức về việc giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Người lớn còn nói trước quên sau, chỉ vài ngày sau nới lỏng giãn cách đã quên đeo khẩu trang, tụ tập hàng quán thì nói gì đến trẻ nhỏ."

Đông quan điểm trên chị TA, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ: "Mình thấy các trường làm như vậy là tốt đó, nhất là đối với các con nhỏ tuổi chưa biết tự giãn cách hay hạn chế tiếp xúc với các bạn. Đưa con đi học thấy các cô đeo cho cái này càng đỡ thấp thỏm".

Tuy nhiên ở luồng ý kiến ngược lại, nhiều phụ huynh khác cho rằng biện pháp đeo tấm chắn giọt bắn dẫu an toàn tuy nhiên khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây khó chịu, bất tiện đối với các em học sinh, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện tại. 

"Nóng nực, tấm chắn giọt bắn lại thêm cái khẩu trang, người lớn còn không chịu nổi, nói chi con nít... Dám cá có ông bà nào ngồi phòng không máy lạnh, dù có máy lạnh cũng chắc gì chịu nổi, kiểu này mồ hôi ướt cả cái khẩu trang", một phụ huynh tên L.H chia sẻ với báo Phụ nữ Việt Nam

Chị Minh Phương, mẹ của một bé gái lớp 3 ở Hà Nội, cũng kịch liệt phản đối việc sử dụng thiết bị này trong giờ học. Bà mẹ cho rằng miền Bắc, miền Trung đang bước vào mùa hè nắng nóng, việc không được dùng điều hòa, đeo khẩu trang trong lớp để phòng dịch đã khiến trẻ em rất mệt mỏi, khó thở. Nay thêm kính chắn giọt bắn sẽ càng nóng bức, ảnh hưởng đến sức khỏe các con.

"Kể cả lớp hay trường học yêu cầu, tôi cũng không cho con sử dụng. Khi tinh thần mệt mỏi và sức khỏe không tốt, con sẽ không thể tiếp thu được bài giảng và tận hưởng thời gian ở trường", chị Phương nói.

Bên cạnh việc đeo tấm chắn gây nóng bức, khó chịu thì ảnh hưởng đến mắt của trẻ nhỏ cũng là vấn đề nhiều phụ huynh băn khoăn. "Nón chắn giọt bắn không phải tấm kính mà là nhựa. Nếu đeo ngồi học cả ngày chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng đến mắt", độc giả Tâm Liên chia sẻ với báo Lao động.

Các chuyên gia y tế nói gì?

Tranh cãi gay gắt việc học sinh đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học 2
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc trẻ đeo mũ chống giọt bắn là không cần thiết.

Trước băn khoăn của phụ huynh, chia sẻ với báo Phụ nữ Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng không cần thiết khi sử dụng sản phẩm này. Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong lớp học, trẻ ngồi theo một hướng cố định, mũ chắn giọt bắn lúc này cũng không có tác dụng nhiều. Thậm chí, các em có thể đùa nghịch làm kính tấm chắn gãy, dẫn đến nhiều tình huống ngoài ý muốn khác.

Theo ông, mũ chắn giọt bắn chỉ có hiệu quả khi mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp. Trong khi đó, việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi, miệng mới là cách phòng ngừa quan trọng và tốt nhất.

"Hơn nữa, sử dụng vật dụng này trong thời gian dài, thời tiết nắng nóng khiến trẻ khó chịu, đổ mồ hôi ảnh hưởng đến mắt, nhất là với các bạn bị cận thị. Dùng tay đưa lên mắt thậm chí còn gây nguy cơ lây nhiễm cao hơn" – ông Khanh cho biết.

Cũng không ủng hộ việc nhà trường, phụ huynh cho học sinh đeo kính chắn giọt bắn trong khi học, TS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Trung ương, cho rằng thiết bị này chỉ nên sử dụng ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khu vực có bệnh nhân Covid-19, việc sử dụng trong trường học là "không cần thiết".   

Theo bác sĩ Hiền, việc đeo khẩu trang trong thời tiết nắng nóng đã rất khó khăn cho học sinh, thêm kính chắn giọt bắn nữa thì "các con đi học khổ quá". Khi sử dụng loại kính này, những học sinh không bị tật về mắt sẽ thấy mờ vì bản chất tấm chắn được làm từ nhựa và được uống cong cho phù hợp với hình dạng của đầu. Những em nào mắt đã bị tật khúc xạ, đang phải đeo kính thuốc, nếu dùng thêm tấm chắn này sẽ khiến mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Nhiều người nói cẩn tắc vô áy náy, nhưng tôi cho rằng cái gì cũng nên dựa trên cơ sở khoa học. Tôi đánh giá phương pháp này thiếu thực tiễn, ảnh hưởng rất xấu đến thị lực trẻ", bac sĩ Hiền chia sẻ với Vnexpress.

Minh Trang (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN