Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:51
RSS

Trải qua bạo bệnh, cuối cùng Lý Liên Kiệt đã ngộ ra chân lý của cuộc đời

Thứ hai, 09/04/2018, 14:51 (GMT+7)

Sau bao năm tháng vật lộn trên phim trường, tên tuổi thành danh, tiền tài vật chất không thiếu, cuộc sống gia đình viên mãn, Lý Liên Kiệt càng thấm thía hơn những giá trị cuộc sống.

Trải qua bệnh tật, Lý Liên Kiệt đã nhận ra điều gì ở cuối đời?
Lý Liên Kiệt được mệnh danh là vua kungfu

Lý Liên Kiệt được xem là một trong những ông vua võ thuật của màn ảnh Hoa ngữ. Danh tiếng của ông không chỉ dừng lại ở châu Á mà tại Mỹ, cái tên Lý Liên Kiệt hay Jet Li không có gì là xa lạ. Ngôi sao võ thuật gốc Hoa từng tham gia khá nhiều các phim điện ảnh của Hollywood và luôn xuất hiện với hình ảnh mạnh mẽ, nam tính trên màn ảnh.

Cái giá phải trả cho những lần liều mạng đóng phim

Lý Liên Kiệt sinh ra trong một gia đình nghèo, sống tại khu ổ chuột ở Bắc Kinh. Khi Lý Liên Kiệt mới lên 2 tuổi, bố ông vì lao động quá sức mà qua đời, mẹ ông buộc phải trở thành trụ cột gia đình. Ông bén duyên với võ thuật trước khi đến với điện ảnh. Lý Liên Kiệt từng kể rằng, ông đến với điện ảnh với mong muốn thoát khỏi khổ cực chứ không phải để tìm kiếm danh vọng.

Bộ phim giúp ông trở thành ngôi sao chính là “Thiếu Lâm tự”, ra mắt năm 1982. Bộ phim thành công vang dội với kỷ lục 100 triệu nhân dân tệ doanh thu phòng vé. Từ đây, Lý Liên Kiệt từng bước ghi danh vào danh sách những diễn viên võ thuật xuất sắc nhất Trung Hoa. “Anh hùng” (ra mắt năm 2002) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng là một bộ phim đáng nói trong sự nghiệp của Lý Liên Kiệt khi phim đạt doanh thu 53,7 triệu đô la Mỹ tại thị trường Mỹ.


Cuộc đời về già của Lý Liên Kiệt sống chung với bệnh tật.

Sự nghiệp của Lý Liên Kiệt từ khi còn là một tuyển thủ võ thuật cho đến ngôi sao hành động Hollywood như ngày nay phải nói là cả một kỳ tích. Thế nhưng, ít ai biết được, trong suốt quãng thời gian đó, Lý Liên Kiệt đã phải chịu bao nhiêu đau đớn về thể xác để có thể đem đến những màn võ thuật đẹp mắt, kịch tính cho người xem.

Ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp khi quay Thiếu lâm tự, Long tại thiên nha, Nam bắc thiếu lâm, Thiếu lâm tiểu tử… thì chuyện gãy tay, gãy chân, giãn cơ đã là “chuyện thường ở huyện”. Đặc biệt, có một lần nghiêm trọng khi quay Thiếu lâm tự, toàn bộ dây chằng chữ thập của anh bị đứt, đến nỗi bác sỹ từng phải kê cho anh một tờ chứng nhận tàn phế cấp độ 3.

Thế nhưng, lần nào cũng vậy, vết thương vừa lành là Lý Liên Kiệt lại lao vào đóng phim và không nề hà những cảnh phim mạo hiểm nhất. Năm 2005, khi quay Hoắc Nguyên Giáp, ông đã tự mình thực hiện tất cả các cảnh quay hành động của mình trong vòng 4 ngày liên tục mà không cần đến diễn viên đóng thế.

Và cái giá phải trả cho những tháng ngày liều mạng đóng phim mà không thương tiếc cho sức khỏe của mình, đó là năm 2013, Lý Liên Kiệt công bố rút lui khỏi làng giải trí do mắc căn bệnh cường tuyến giáp.

Bệnh tật, nương nhờ cửa Phật

Vua kungfu Lý Liên Kiệt đang từng ngày đau đớn chống chọi lại căn bệnh quái ác cường giáp (hay cường chức năng tuyến giáp, cường giáp trạng). Ông vô cùng khổ não vì sức khỏe, cơ thể của mình đi xuống nhanh chóng.

Khuôn mặt của ông trông giống như bị phù nề. Vóc dáng cũng trở nên mập mạp hơn trước. Theo tiết lộ, lý do khiến ngoại hình của ông thay đổi như vậy là do sử dụng thuốc để chống lại bệnh cường giáp.

Với cơ thể bệnh tật, giờ đây, Lý Liên Kiệt gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, nhịp tim, cơ thể bị phù nề. Ông cảm thấy cái chết đang đến gần mình, khi mà bệnh tình đã biến chứng vào tim và xương.

Trải qua bệnh tật, Lý Liên Kiệt đã nhận ra điều gì ở cuối đời?
Sau 50 năm cuộc đời, Lý Liên Kiệt nhận ra: Hãy sống trọn vẹn, trân trọng mỗi ngày được sống.

Giác ngộ đạo Phật nên Lý Liên Kiệt sống lạc quan trước những khó khăn, bình tĩnh đối diện với những biến cố của cuộc đời. Ông bảo: “Tôi tin vào thuyết luân hồi nên cái chết không hề đáng sợ. Tôi cũng không có điều gì để hối hận hay tiếc nuối. Tôi đã có một người vợ đảm đang cùng những đứa con ngoan, vì vậy còn có gì để tiếc nuối nữa”.

Lý Liên Kiệt cho biết, mình đã nói chuyện hậu sự với vợ khi quyết định hỏa táng và để tro cốt ở một ngôi chùa tại Tây Tạng, khi ông qua đời. Ý nguyện này của ông đã được vợ ủng hộ. “Vợ tôi cũng bình tĩnh khi nghe tôi nói chuyện này, chẳng có gì là không thể xử lý” - ông nói với tờ Sina.

Để cải thiện phần nào tình trạng sức khỏe và giữ cho tâm được thanh tịnh, yên an, Lý Liên Kiệt thường xuyên tập thiền, đi lễ chùa cầu bình an, chuyện trò, ăn cơm chay cùng với những nhà sư.

Trong một cuộc phỏng vấn, Lý Liên Kiệt từng trải lòng đạo lý mà chính anh nghiệm ra được sau hơn 50 năm cuộc đời. Con người ta khi còn nghèo khó chỉ cần một bữa cơm một bộ quần áo cũng là hạnh phúc.

Khi chuyện miếng cơm manh áo đã không còn là vấn đề thì người ta lại muốn có được nhà lầu xe hơi. Có nhà lầu xe hơi rồi lại ham muốn thêm nhiều nữa, sẽ chẳng bao giờ là đủ.

Nhưng thực ra, cho dù bạn có là một kẻ nghèo hay triệu phú, tỷ phú, có một chân lý luôn luôn đúng: Nếu cứ mải mê kiếm tìm hạnh phúc qua những vật chất tầm thường thì mãi mãi ta cũng sẽ không thể sống một cuộc đời thực sự mãn nguyện.

Sau khi giác ngộ được chân lý, Lý Liên Kiệt đã lựa chọn khác. Anh biết rõ rằng danh lợi mà bao người ngoài kia đang giành giật rốt cuộc chẳng quan trọng, buông bỏ tất cả để đổi lấy an yên mới là con đường đạt đến hạnh phúc thực sự.

Chính Hy
Theo Đời sống Plus/GĐVN