Học sinh không may bị gãy tay tại điểm thi Trường THCS Phạm Hữu Lầu được cán bộ coi thi hỗ trợ viết bài.
Kỳ thi đáng nhớ
Theo chia sẻ của Nguyễn Tấn Đạt, trước kỳ thi vào lớp 10, em không may bị ngã, mảnh kính đâm vào tay phải, máu chảy không ngừng nên phải nhập viện. Bác sĩ nói, em bị bệnh Hemophilia (máu không đông) với chỉ số đông máu 23%.
Thiết bị camera giám sát suốt thời gian Minh và Đạt làm bài thi.
“Em đã ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 với nỗ lực đậu vào nguyện vọng 1 là Trường THPT Ngô Quyền. Thế nhưng tai nạn bất ngờ xảy ra, em rất lo lắng, thậm chí sợ hãi vì phải bỏ lỡ kỳ thi. Nhưng khi biết được sẽ có thầy cô viết bài hộ em rất vui”, Đạt chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của Đạt, trong quá trình đọc cho thầy cô chép bài, lúc đầu Đạt cảm thấy hơi ngại ngùng nhưng sau dần quen. Trong ngày thi hôm qua, môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ em đều làm bài được. “Ngày thi đầu, với bài thi môn Ngữ văn em làm bài được khoảng 6 điểm, còn Ngoại ngữ được khoảng 7 điểm”, Đạt nói.
Thiết bị ghi âm được điểm thi Trường THCS Phạm Hữu Lầu đặt ngay bàn thí sinh.
Cũng tại điểm thi Trường THCS Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Văn Minh trước đó (ngày 3/5) không may bị tai nạn, gãy tay phải, trong thời gian băng cố định nên không thể cử động. Tuy nhiên, được sự động viên của thầy cô, bạn bè, Minh cũng đã có tinh thần ổn định hơn. Em đã được lãnh đạo điểm thi sắp xếp phòng thi riêng có người viết hộ.
Minh nói: “Môn Ngữ văn em làm xong, còn môn Ngoại ngữ em có só sánh với kết quả thì hơi thấp. Sáng nay em sẽ nỗ lực để đạt điểm cao ở môn Toán”.
Cán bộ coi thi hỗ trợ Đạt trong buổi thi môn Toán.
Tạo mọi điều kiện để thí sinh làm bài tốt
Quy trình coi thi tại phòng thi của Đạt và Minh giống những phòng thi khác: có hai cán bộ coi thi (không tính cán bộ hỗ trợ), hết giờ thi cán bộ hỗ trợ phải dừng bút...
Ngoài ra quá trình thi sẽ được ghi âm, quay hình. Khi thi xong, máy ghi âm, ghi hình được niêm phong, bàn giao cho Trưởng điểm thi.
Quá trình thí sinh làm bài được camera lưu lại để tránh gian lận.
Thầy Lê Trọng Nghĩa, Trưởng điểm thi Trường THCS Phạm Hữu Lầu cho biết, điểm thi có 798 thí sinh với 34 phòng thi. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra, điểm thi nhận được tờ đơn của 2 phụ huynh về việc thí sinh bị thương tích ở tay không thể tự viết bài thi.
Nắm được thông tin từ thí sinh Đạt và Minh, lãnh đạo điểm thi đã liên hệ với Sở GD&ĐT và phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở về xử lý các trường hợp này. Điểm thi đã được hướng dẫn cho thí sinh dự thi ở phòng dự trữ, có bố trí 2 cán bộ coi thi, gồm 1 cán bộ ghi bài hộ cho thí sinh và cán bộ còn lại giám sát.
Thí sinh tại Trường THCS Phạm Hữu Lầu phấn khởi trước khi bước vào môn thi cuối cùng.
“Để đảm bảo quy chế thi, chúng tôi phải sử dụng máy quay và máy ghi âm trong quá trình các em làm bài. Qua ngày thi đầu tiên, điểm thi luôn tạo điều kiện thuận lợi để các thí sinh có tâm lý thoải mái. Đến hiện tại, các em không gặp trở ngại gì trong quá trình làm bài”, thầy Nghĩa cho hay.
Cô Đặng Lê Phương Vy, giáo viên dạy môn Thể dục Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, cán bộ coi thi môn Toán của em Minh nói: “Đã nhiều năm coi thi THCS, nhưng năm nay được phân công coi phòng thi có thí sinh không viết được, cũng nhiều cảm xúc. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị của bản thân đối với nghề giáo viên. Tôi và cán bộ coi thi cùng phòng luôn tạo không khí thoải mái nhất để Minh làm bài tốt”.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, kỳ thi này có 1 thí sinh F0 đã được bố trí thi phòng riêng theo đúng quy định, có giám thị riêng, thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Trước kỳ thi, có 8 em bị tai nạn không tự viết được nhưng đến sáng 11/6 có 1 học sinh báo có thể tự viết được. 7 học sinh còn lại được tổ chức thi riêng theo đúng quy định, các em sẽ đọc bài cho giám thị viết, giám thị còn lại có nhiệm vụ giám sát. Trong phòng bố trí máy ghi âm, ghi hình để đảm bảo công bằng, không gian lận. |