Giao thừa đêm 30 Tết tại TP.HCM năm nay là một đêm giao thừa đặc biệt khi không có đường hoa Nguyễn Huệ, không pháo hoa do tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp và hàng nghìn người dân đang chuẩn bị đón giao thừa trong các khu vực bị phong tỏa.
Ghi nhận không khí đón giao thừa tại TP.HCM năm nay cũng rất khác biệt, ít náo nhiệt sôi động hơn.
Tại đường hoa Nguyễn Huệ - một trong những điểm đến được xem là "đặc sản" của TP.HCM mỗi dịp Tết Nguyên đán, nơi vốn thu hút rất đông người dân đến tham quan và chào đón khoảnh khắc giao thừa đêm 30 Tết nhưng năm nay đã không còn cảnh tượng đó. Theo quy định, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đường hoa Nguyễn Huệ chỉ đón khách từ 8h - 17h mỗi ngày.
Tối 30 Tết, một số người vẫn đến đường hoa Nguyễn Huệ nhưng không được vào tham quan theo quy định mới. Để tránh hiện tượng tập trung đông người, lực lượng chức năng phải đứng ở khu vực trên đường Tôn Đức Thắng để giải tỏa đám đông.
Để lưu lại khoảnh khắc giao thừa đặc biệt, nhiều người quyết định đứng bên ngoài và chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Ghi nhận cho thấy hầu hết người chụp ảnh đều đeo khẩu trang, theo quy định bắt buộc đeo khẩu trang, kể cả lúc chụp ảnh trong quá trình tham quan đường hoa Nguyễn Huệ.
Chị Hương Giang (quận 7) cho hay, đây là một năm rất đặc biệt, bởi giao thừa năm nào chị cũng đi đường hoa Nguyễn Huệ và bắn pháo hoa.
"Tôi biết việc đường hoa Nguyễn Huệ không cho vào tham quan sau 17h để phòng dịch nhưng vẫn quyết định đi vì là một phần không thể thiếu đêm giao thừa. Tôi vẫn phòng dịch, đeo khẩu trang đầy đủ. Thời khắc này tôi chỉ mong năm 2021, Việt Nam và TP.HCM đều kiểm soát được dịch, mọi người đều bình an thì việc gì cũng sẽ chinh phục được", chị Giang nói.
Khu vực ven sông Sài Gòn, cũng không tập trung nhiều người như giao thừa các năm. Hàng năm, tối 30 Tết, để xem được pháo hoa khu vực này, rất đông người đã tranh thủ đi sớm để giữ chỗ.
Không còn đường hoa Nguyễn Huệ, không còn bắn pháo hoa lúc giao thừa, một số khu vực khác như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, các trung tâm thương mại có nhiều khách đến chụp hình.
Gần 20h, các con đường đổ vào trung tâm TP.HCM như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… bắt đầu đông, tuy nhiên, không xảy ra tình trạng ùn ứ. Nhiều người cho biết chỉ đi ra đường để cảm nhận không khí trước thời khắc giao thừa rồi trở về nhà cúng kiếng lúc 12h đêm.
Gia đình ông Phạm Triệu (quận Bình Tân) năm nay cũng hạn chế "tiết mục" tiệc tùng. Ngày 30 Tết hàng năm gia đình ông mời bạn bè đến chơi nhà, nhưng năm nay tạm dừng "truyền thống" để chủ động phòng dịch. "Thông thường, cả nhà tôi cũng đi xem pháo hoa nhưng năm nay là một năm đặc biệt, không pháo hoa cũng được, miễn sao một năm mới nhiều sức khỏe không âu lo là vui vầy. Vì dịch mà biết bao nhiêu người còn không được đón Tết", ông nói.
Từ hơn 20h, các con đường đổ vào trung tâm TP.HCM bắt đầu đông hơn nhưng di chuyển cũng khá dễ dàng, không còn cảnh chen chúc, đông cứng như đêm giao thừa hàng năm. Ảnh: Hồng Phúc.
Đường Lê Duẩn được trang hoàng lộng lẫy đón năm mới. Ảnh: Hồng Phúc.
Đường hoa Nguyễn Huệ đã được rào lại, đón khách từ 8h - 17h mỗi ngày. Ảnh: Hồng Phúc.
Các gia đình tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm tại một trung tâm thương mại rồi về nhà đón giao thừa. Ảnh: Hồng Phúc.
Chị Vy (quận Tân Phú) lưu lại một số hình ảnh bên ngoài một trung tâm thương mại. Ảnh: Hồng Phúc.
Không còn đường hoa Nguyễn Huệ, pháo hoa, người dân chụp ảnh ở bất kỳ đâu tại TP.HCM rồi về nhà sớm. Ảnh: Hồng Phúc.