Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:59
RSS

TP. HCM: Dự án 79 triệu USD bị giả mạo hồ sơ

Thứ hai, 24/07/2017, 13:53 (GMT+7)

Đây là kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C45) - Bộ Công an liên quan đến dự án Khu nhà ở cao tầng The Mark ở Quận 7, TP.HCM.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra khẳng định cả hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy chứng nhận đầu tư đều là giả mạo.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM vẫn đồng ý cấp hai “giấy thông hành” này để doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản có tổng mức đầu tư gần 80 triệu USD tại quận 7.

Hồ sơ xin cấp đổi bị giả mạo

Trước đó, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (nay là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC) cùng đối tác là Công ty P&D Korea Co.,Ltd (P&D) và Công ty Lucky Việt Nam Construction Co., Ltd (LVC) thành lập Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (VK Housing) để triển khai dự án Khu nhà ở cao tầng The Mark.

VK Housing được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) lần đầu số 411022000109 vào ngày 30/8/2007 để thực hiện dự án The Mark ở Quận 7 với tổng mức đầu tư 79 triệu USD. Trong đó, HDTC góp 20%, Công ty LVC góp18% vốn (tương đương 4,2 triệu USD), Công ty P&D góp 62% (tương đương hơn 14,7 triệu USD).

Theo hợp đồng liên doanh, HDTC thực hiện việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của lô đất 29.310 m2 thuộc khu dân cư Tân Mỹ là 4.773.687,80 USD.

Ngày 4/12/2009, Hội đồng thành viên VK Housing ra Nghị quyết để HDTC dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của lô đất tại dự án bảo lãnh cho VK Housing vay 15 tỷ Won tại Ngân hàng Woori (Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh) để sử dụng chi phí dự án, thực hiện nghĩa vụ liên quan đến lô đất và trả một phần nợ cho HDTC.

dự án The Mark

Dự án The Mark được rao bán trên mạng

Sau khi vay được tiền, VK Housing chi nhiều khoản bất hợp lý. Các nhà đầu tư trong liên doanh vẫn chưa ký lại hợp đồng góp vốn mới vì chưa hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán khoản vay 15 tỷ Won đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất nên trên thực tế, việc hoàn tất góp vốn theo quy định không được thực hiện.

Rắc rối tiếp tục phát sinh khi hai nhà đầu tư cũ là LVC và P&D đã bị Toà án Hàn Quốc tuyên bố phá sản. Sau đó, tháng 3/2016, cả hai doanh nghiệp phá sản này đồng ý bán một phần vốn góp tại VK Housing cho nhà đầu tư mới là Công ty DWS Star Bridge Limited Liability (Công ty DWS).

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng phần vốn này lại không được LVC và P&D thông báo cho đối tác Việt Nam là HDTC biết. Cho đến khi HDTC rà soát lại các văn bản pháp lý thì phát hiện ngày 29/4/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã cấp đổi Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) số 2162333062 cho VK Housing, thay đổi về nhà đầu tư, giá trị tổng vốn đầu tư, vốn góp thực hiện dự án.

Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án lúc này gồm Công ty HDTC và Công ty DWS. Công ty VK Housing (gồm Công ty HDTC với pháp nhân mới là Công ty DWS) hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên số 0305339044 đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 21/4/2016 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT TP.HCM cấp, người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Yeh Kuo, Shun - Kuai - Tổng Giám đốc Công ty.

Đặc biệt, việc cấp đổi GCNĐT số 2162333062 - theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (công văn số 1690 ngày 24/5/2017) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại được thực hiện dựa trên văn bản giả mạo, không có giá trị pháp luật. Bởi, trong hồ sơ xin cấp đổi có Quyết định HDTV 30 - 2016 ngày 23/4/2016 của Hội đồng thành viên VK Housing do người đại diện theo pháp luật của HDTC là Phan Quang Tống ký.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 20/4/2016, đại hội cổ đông của HDTC đã miễn nhiệm ông Tống. Tại quyết định này, dấu giáp lai cũng bị tẩy xoá.

Cơ quan điều tra cho biết ông Tống khẳng định không ký vào Quyết định HĐTV30 - 2016 với chức danh là người đại diện theo pháp luật của HDTC. Bộ phận quản lý con dấu, văn thư lưu trữ, thư ký Tổng giám đốc của HDTC khẳng định không tiếp nhận, không trình ký, không lưu trữ và không sử dụng con dấu của Công ty để đóng vào phần chữ ký của ông Tống trong Quyết định HĐTV 30 - 2016.

Xác minh nguồn gốc Quyết định số HDTV30 – 2016, C45 đã triệu tập ông Nguyễn Hoàng Minh, người được bà Yeh Kuo, Shun – Kuai ủy quyền liên hệ, nộp hồ sơ, làm các thủ tục đề nghị cấp đổi GCNĐT, đăng ký điều chỉnh dự án The Mark.

Ông Minh khẳng định không biết bà Yeh Kuo, Shun – Kuai cũng như công ty VK Housing mà chỉ nhận hồ sơ từ bà Trương Hoàng Vy (Trương Hoàng Mạnh Thảo) – giám đốc công ty Luật TNHH Trẻ. Theo lời khai của bà Trương Hoàng Vy, bà nhận hồ sơ từ ông Lin Kuo Wei – giám đốc công ty DWS, rồi thuê, giao hồ sơ cho ông Minh.

C45 đã nhiều lần có văn bản đề nghị bà Yeh Kuo, Shun – Kuai; ông Lin Kuo Wei đến làm việc để làm rõ các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, cả hai người trên không đến, không phối hợp cung cấp tài liệu liên quan.

Tiến hành làm việc tại trụ sở VK Housing, C45 xác định, bà Yeh Kuo, Shun – Kuai; ông Lin Kuo Wei không có mặt tại trụ sở Công ty; không ủy quyền cho cá nhân nào quản lý, điều hành hoạt động của VK Housing. Hồ sơ tài liệu liên quan đến việc đề nghị cấp đổi GCNĐT đối với dự án The Mark cũng không được lưu giữ tại văn phòng VK Housing.

Văn bản số 375 ngày 15/2/2017 của C45 gửi Sở KHĐT TP.HCM khẳng định, căn cứ vào tài liệu điều tra của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cho thấy, tài liệu là Quyết định HĐTV 30 - 2016 ngày 23/4/2016 của Hội đồng thành viên VK Housing bị giả mạo về nội dung, chức danh là người đại diện theo pháp luật của HDTC, không có giá trị pháp lý trong việc đề nghị cấp đổi, điều chỉnh GCNĐT vì ngày 20/4/2016, HDTC đã đại hội cổ đông, bầu ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, là người đại diện theo pháp luật công ty.

Hội đồng quản trị cũng không uỷ quyền, không giao cho ông Tống ký bất cứ văn bản, tài liệu gì với chức danh là người đại diện theo pháp luật của HDTC, trong đó có quyết định HĐTV 30 - 2016.

Theo đó, C45 yêu cầu Sở KHĐT TP.HCM thu hồi GCNĐT số 2162333062. Đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên trở lên số 0305339044 đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 21/4/2016, trong công văn số 334 (ngày 4/5/2017) của C45 gửi Bộ KHĐT cũng xác định “nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận thay đổi lần 2 ngày 21/4/2016 của VK Housing là giả mạo”.

C45 cũng đề nghị Sở KHĐT xem xét thu hồi giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0305339044.

Hợp đồng chuyển nhượng chưa được công nhận

Liên quan đến pháp nhân mới là DWS trong liên doanh của VK Housing, được biết, ngày 22/7/2015, Công ty P&D và Công ty LVC bị tuyên bố phá sản theo phán quyết của Tòa án Hàn Quốc. Do đó, Tòa án Hàn Quốc đã giao cho Quản tài viên là người đứng ra phát mãi tài sản thông qua ký hợp đồng chuyển nhượng với DWS.

Theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 5156 ngày 16/3/2016 giữa bên bị phá sản là Công ty LVC và Công ty DWS, thì bên chuyển nhượng chỉ chuyển một phần phần vốn góp nhất định. Theo đó, giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp theo hợp đồng này là 225 triệu Won (tương đương trên dưới 200.000 USD). Trong khi đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp này trong liên doanh VK Housing là gần 4,3 triệu USD.

Tương tự, Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 5159 giữa bên bị phá sản là Công ty P&D với Công ty DWS ngày 16/3/2016 cũng thể hiện, bên bị phá sản thông qua quản tài viên đồng ý chuyển nhượng đối với phần vốn góp 776 triệu Won (tương đường 600.000 USD). Theo hồ sơ, P&D là cổ đông góp 14,7 triệu USD tại VK Housing.

Cả hai hợp đồng chuyển nhượng số 5156 và 5159 cũng có điều khoản quy định Công ty DWS (bên nhận chuyển nhượng) phải có trách nhiệm gửi thông báo hoặc nhận chấp thuận từ cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam; DWS phải xin công nhận hợp đồng chuyển nhượng này từ toà án Việt Nam.

Tuy nhiên, đây lại được xem là cơ sở để VK Housing ký giấy xác nhận số 01 và 02 ngày 20/4/2016 giữa bên chuyển nhượng P&D và LVC với bên nhận chuyển nhượng là DWS. VK Housing sau đó sử dụng tài liệu này để để làm hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên của Công ty VK Housing trong hồ sơ đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 2 ngày 21/4/2016.

Theo C45, văn bản xác nhận chuyển nhượng vốn giữa 2 nhà đầu tư Hàn Quốc và DWS trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là giả mạo về nội dung, vì ngày 16/3/2016 các nhà đầu tư Hàn Quốc không ký hợp đồng chuyển nhượng vốn với DWS, chỉ có việc DWS ký hợp đồng chuyển nhượng với Quản tài viên doa Toà án quận Trung tâm Seoul chỉ định. Hơn nữa, cả 2 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa DWS với Quản tài viên chưa được Toà án của Việt Nam công nhận nên không có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Nghi án giả mạo hồ sơ "hất chân" thành viên góp vốn ở Vĩnh Phúc. Nguồn: Nhà báo và Công luận

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN