Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:49
RSS

Tổng giám đốc Ford Việt Nam: Thử thách là trải nghiệm để trưởng thành

Thứ năm, 03/11/2016, 09:06 (GMT+7)

Đến với Ford Việt từ những ngày đầu, bắt đầu với cương vị kế toán viên, sau 19 năm sau, ông Phạm Văn Dũng đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, ông là CEO người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại khối doanh nghiệp FDI ngành ô tô. Hơn một năm qua, dưới sự điều hành của ông, Ford Việt Nam giữ vững vị trí trong Top 3 các thương hiệu có tốc độ phát triển nhanh nhất thị trường.

* Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2016 và 2017? Theo ông, các doanh nghiệp sẽ gặp thách thức gì khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị thực hiện?

- Năm 2016, ngành công nghiệp ô tô tiếp tục phát triển. Chín tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng trưởng 30% và những tháng còn lại thị trường vẫn phát triển ổn định.

Theo tôi, năm 2017, ngành công nghiệp ô tô sẽ tiếp tục phát triển nhưng tăng trưởng nhẹ so với năm 2016. Hiện nay, số xe trên 1.000 dân của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực cũng như các nước đã phát triển. Chắc chắn trong tương lai, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam.

Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam

Hội nhập toàn cầu vừa mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức vì đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ phải thể hiện thực lực để có thể mang lại dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Nói rộng ra, doanh nghiệp sẽ tham gia vào một "sân chơi" rộng hơn, có cơ hội cọ xát với môi trường bên ngoài nhiều hơn.

Khi có cơ hội cọ xát nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh chiến lược, xây dựng lại các lợi thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong môi trường mới. Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp được thả trong môi trường cạnh tranh thì "sức đề kháng" sẽ cao hơn, năng lực cạnh tranh sẽ tốt hơn.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn vì khi đó ngành ô tô Việt Nam cũng có thể tham gia vào thị trường ASEAN, và ngược lại. Vấn đề quan trọng là cần có sự chuẩn bị, đánh giá lợi thế của Việt Nam và nếu có thể thì tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào một vài dòng xe để cung cấp cho thị trường trong khu vực.

* Có nhiều nhận định cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được ví như chiếc xe chạy thử nghiệm tại chỗ sau gần 20 năm xây dựng. Ông thấy sao?

- Tôi không bình luận về nhận định này, tuy nhiên, cũng muốn chia sẻ về quá trình phát triển hơn 20 năm qua của Ford Việt Nam. Năm đầu tiên vào Việt Nam, Ford chỉ sản xuất và bán ra 300 xe và số lượng nhân viên rất hạn chế. Qua hơn 20 năm phát triển, Công ty đã có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ mà cụ thể là trong năm 2015 đã đưa ra thị trường 20.700 xe.

Hiện tại, số lượng nhân viên Công ty hơn 700 người trực tiếp và hơn 5.000 người là lao động gián tiếp tại các đại lý, các nhà cung cấp. Các vị trí trưởng phòng của Ford Việt Nam trước đây do người nước ngoài nắm giữ thì nay đều do người Việt Nam đảm trách.

Bản thân tôi cũng được tin tưởng giao trọng trách điều hành doanh nghiệp - điều chưa từng xảy ra đối với các doanh nghiệp FDI ngành ô tô.

* Chắc là do ông có những tố chất "đặc biệt" và phải trải qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ?

- Tôi nghĩ mình không có gì đặc biệt ngoài làm việc một cách nghiêm túc cùng với sự đam mê. Ford có quy trình phát triển nhân viên một cách chặt chẽ nên việc bổ nhiệm người Việt có sự chuẩn bị từ trước.

Hằng năm, Công ty đều tổ chức những cuộc thảo luận giữa lãnh đạo và nhân viên để chia sẻ kế hoạch phát triển bản thân, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, giúp nhân viên phát triển tối đa tiềm năng.

Công ty cũng có nhiều khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, tạo điều kiện cho nhân viên thay đổi công việc ở nhiều vị trí, có nhiều cơ hội cọ xát với nhiều môi trường, nhiều đối tác khác nhau để có thể phát triển.

Tôi đã gắn bó với thương hiệu này 20 năm nay, khi Ford bắt đầu vào Việt Nam. Tôi yêu mến thương hiệu này vì có tầm nhìn rất nhân văn. Hơn 100 năm trước, ông Henry Ford đã có tầm nhìn xa hơn việc kinh doanh là mang lại lợi nhuận đơn thuần: đặt thế giới lên bốn bánh xe, mở ra xa lộ cơ giới cho loài người.

Ngày nay, Ford vẫn tiếp tục tầm nhìn này. Tôi ngưỡng mộ người sáng lập và tầm nhìn của Ford. Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho Ford với niềm đam mê và ngưỡng mộ ấy. Điều này tạo động lực để tôi có thể làm được những việc của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

* Bản thân ông thay đổi thế nào khi "nắm vận mệnh" Ford Việt Nam?

- Hơn một năm qua tôi có điều kiện để làm những việc mà trước đây chưa có cơ hội để trải nghiệm, được gặp gỡ nhiều người mới, đi đến những nơi mình chưa từng đến. Mỗi một trải nghiệm đều là kinh nghiệm tốt trong việc điều hành doanh nghiệp cũng như tổ chức đời sống cá nhân.

Với tôi, những thử thách như một trải nghiệm và cố gắng trải nghiệm trọn vẹn để trưởng thành hơn trong công việc và cả trong cuộc sống.

* Như ông đã nói, sự thành công của Ford Việt Nam là nhờ Công ty có đội ngũ nhân sự làm việc ăn ý và tận tâm. Làm thế nào để có đội ngũ này?

- Tài sản lớn nhất của Ford Việt Nam đến thời điểm này là đã xây dựng được đội ngũ nhân sự đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Đội ngũ này có sự phối hợp với nhau rất tốt. Để xây dựng đội ngũ, chúng tôi có quy trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên đã được xây dựng hơn trăm năm qua.

Quan điểm của Ford là tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc, quốc tịch. Hiện tại, đội ngũ của Ford Việt Nam được đánh giá là đội ngũ mạnh trong khu vực của Tập đoàn Ford. Họ là những người trẻ năng động, sẵn sàng học hỏi và có những đóng góp rất lớn trong việc đưa ra những ý tưởng mới.

* Từng có thời gian làm việc tại Úc, ông thấy có điểm giống và khác nhau gì giữa thị trường ô tô hai nước? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ thị trường này?

- Hai thị trường có nhiều điểm khác nhau. Năm 2004, khi tôi làm việc ở Úc thì thị trường này gần như bão hòa. Mỗi năm sản lượng của toàn ngành vào khoảng 1 triệu xe, và từ thời điểm đó đến bây giờ gần như không thay đổi.

Còn Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe trên số lượng dân vẫn còn rất thấp, nhưng dư địa rất lớn và phát triển nhanh, những năm qua ở mức 30 - 50%. Đó là những điểm khác nhau cơ bản: một thị trường đã phát triển, bão hòa và một thị trường mới nổi, đang có đà phát triển cao.

Lãnh đạo của Ford khi đưa người sang các thị trường phát triển là muốn họ có tầm nhìn dài hơn bởi các thị trường đang phát triển đến một lúc nào đó cũng sẽ bão hòa. Vì thế, muốn điều hành tốt hoạt động của các đơn vị con, CEO phải nắm bắt nhu cầu thị trường, phải đưa ra chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing phù hợp.

Với thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam thì CEO phải nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

* Theo ông, với đà phát triển như hiện nay thì đến khi nào thị trường ô tô Việt Nam sẽ giống Úc?

- Tôi nghĩ phải mất một thời gian dài nữa, và phải trải qua thời kỳ "ô tô hóa". Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, thời kỳ ô tô hóa sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng 5 - 7 năm nữa. Khi thu nhập của người dân tăng cao sẽ có quá trình chuyển từ xe 2 bánh sang 4 bánh, và khi đó, ngành ô tô Việt Nam sẽ phát triển.

Với kinh nghiệm từ các nước xung quanh, khi thu nhập bình quân đầu người đạt mức 5.000 USD/năm thì quá trình ô tô hóa sẽ diễn ra.

* Doanh số bán xe tăng nhanh đi kèm với nó là các vấn đề nảy sinh như ô nhiễm khói bụi, kẹt xe cũng tăng theo. Trước thực tế đó, Công ty sẽ làm gì?

- Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng tôi là nhà sản xuất ô tô đầu tiên tổ chức chương trình đào tạo về an toàn giao thông chuyên nghiệp cho cộng đồng. Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã đào tạo 11.000 lái xe tại 14 tỉnh - thành.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có sáng kiến làm truyền thông về văn hóa tham gia giao thông như chương trình "Không còi", "Không cồn", khuyến khích các bạn trẻ thay đổi hành vi và thói quen khi tham gia giao thông, tạo ra văn hóa giao thông văn minh và an toàn hơn.

Trên toàn cầu thì Ford đang chuyển mình để trở thành một trong những nhà tiên phong trong việc nghiên cứu các giải pháp di chuyển thông minh, ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán giao thông đô thị. Hy vọng những ứng dụng, những giải pháp này sẽ sớm được cập nhật ở Việt Nam.

* Ông vừa nói đến nghiên cứu giải pháp và ứng dụng công nghệ. Việt Nam đang "bừng bừng khí thế” khởi nghiệp, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ lập nghiệp?

- Giờ đây nền kinh tế thế giới là kinh tế tri thức và internet đã và đang thay đổi từng ngóc ngách xã hội. Cơ hội luôn mở ra cho những ai kiên trì và đam mê. Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ có nhiều khoảng trống để tỏa sáng với đà phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Tôi hy vọng các bạn trẻ biết tận dụng khoa học công nghệ và biết học hỏi cách tư duy tích cực để làm chủ cuộc sống và có những đóng góp tốt đẹp cho xã hội.

* Doanh nhân thường rất bận rộn, ông làm cách nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?

- Nếu như chú ý lập kế hoạch một cách khoa học thì vẫn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi thường cố gắng hoàn thành công việc ở Công ty để khi về nhà có thể dành hết thời gian cho gia đình. Khi lập kế hoạch công việc, tôi luôn đặt yêu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống như một lời nhắc nhớ về gia đình.

Mỗi người tùy vào điều kiện của bản thân sẽ chọn cách tốt nhất để cân bằng cuộc sống. Có người hướng nội, cũng có người hướng ngoại, và có cách giải tỏa stress khác nhau.

Những người hướng ngoại khi mệt sẽ tìm chỗ đông đúc, tham gia các hoạt động xã hội, còn người hướng nội sẽ tìm những chỗ yên tĩnh, cố quên hết những chuyện đã xảy ra và nạp "năng lượng mới". Là người hướng nội nên tôi chọn môn chạy bộ, đạp xe đạp với cách mà cơ thể phù hợp.

* Ông có những sở thích nào đặc biệt?

- Thực ra giống như nhiều nhà kinh doanh khác, tôi thường đọc sách về quản trị và tài chính. Đó cũng là chuyên ngành yêu thích của tôi. Khi nắm giữ vị trí quản lý mới, tôi đọc thêm các sách về hành vi tổ chức và đắc nhân tâm.

Đôi khi, những quyển sách cũ đọc lại lại mang nhiều lớp nghĩa mới và thú vị cho tôi. Bạn còn nhớ "7 habits for highly effective people" của Stephen R. Covey chứ, đấy là ví dụ tôi muốn nói đến.

Tôi thích đi bộ và ngẫm nghĩ, quan sát cuộc sống. Tôi không phải tuýp người hướng ngoại nhưng tôi cũng thích học hỏi điều mới và hòa đồng với môi trường xung quanh.

Buổi tối tôi thích chơi với các con. Đôi khi tôi phải phân xử khi chúng chành chọe nhau và cảm thấy cuộc sống của mình trẻ lại và có thêm động lực. Tôi nghĩ chơi với trẻ con cũng giống như đọc một cuốn sách mới mẻ và thú vị.

* Nghe nói ông cũng là người mê xe?

- Tôi không phải là dân kỹ thuật nhưng làm việc trong lĩnh vực này lâu nên cũng rất thích tìm hiểu về ô tô. Đặc biệt hiện nay hàm lượng công nghệ trong ô tô ngày càng tăng và trở thành một phần rất lớn trong mỗi chiếc xe.

Khi tìm hiểu về xe, tôi cũng đồng thời tìm hiểu về công nghệ và từ tò mò dẫn đến thích thú khi thấy trong một chiếc ô tô có nhiều thứ hơn là một sản phẩm cơ khí.

Chiếc xe đầu tiên tôi sở hữu vào năm 2001 là Laser. Từ đó đến nay, tôi đã thay đổi nhiều dòng xe. Hiện tại tôi đang sử dụng chiếc Ford Escape vì thích thiết kế cổ điển, mạnh mẽ nhưng bền bỉ của dòng xe này.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Ông Phạm Văn Dũng sinh năm 1970, gia nhập Ford Việt Nam năm 1998 ở vị trí kế toán doanh nghiệp, và sau đó đã đảm nhiệm nhiều công việc liên quan đến các hoạt động tài chính của công ty. Ông có một thời gian công tác tại Melbourne (Australia) vào những năm 2004-2005, phụ trách tài chính cho bộ phận Bán hàng và Dịch vụ của Ford Australia. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, ông giữ chức Giám đốc Tài chính của Ford Việt Nam từ năm 2009.

Ông Phạm Văn Dũng có bằng Cử nhân và Thạc sĩ Kinh tế tại trường Đại học Thương mại Việt Nam, bằng Thạc sĩ Tài chính tại trường Đại học Công nghệ Swinburn, Australia.

Hồng Nga
Theo Doanh nhân Sài Gòn