Khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng tại bãi rác Nam Sơn
Thành phố Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn phải xử lý dứt điểm những tồn đọng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
( ảnh minh họa)
Cụ thể, thành phố Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn đẩy nhanh việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Từ nay đến cuối năm 2019, huyện phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng tại đây. Đồng thời, huyện Sóc Sơn thông tin về kế hoạch bồi thường để các hộ dân biết và chấp hành, không tiếp tục có các hành vi trái phép chặn xe rác.
Từ đầu tháng 7 đến nay, người dân ở một số xã thuộc huyện Sóc Sơn đã không cho xe chở rác từ nội thành vào khu bãi rác Nam Sơn. Vụ việc kéo dài khiến hàng nghìn tấn rác thải bị ùn ứ ở khắp nơi trong thành phố. Theo thông tin mới nhất, vào tối 5/7, sau khi tiếp nhận công văn của UBND thành phố, người dân địa phương đã dỡ bỏ lều lán và dừng việc chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.
Trốn vé, xe tải ngang nhiên phóng ngược chiều trên đường dẫn vào cầu
Đi ngược chiều có lẽ đã thành thói quen của một số người, bất chấp Luật giao thông và tính mạng, nếu không có lực lượng cảnh sát là họ ngược chiều.
Cầu Việt Trì cũ nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Cầu chung với đường sắt, được xây dựng đã lâu và đang trong giai đoạn xuống cấp. Từ năm 2016, hai chiều đường dành cho giao thông đường bộ đã cấm xe ô tô từ 7 chỗ trở lên đi qua cầu.
Vào khoảng gần trưa 4/7, xe tải mang biển kiểm soát 89C-026.43 đã bất chấp quy định cấm phóng ngược chiều trên đường dẫn vào cầu. Mục đích của người lái xe tải vi phạm luật chỉ là trốn vé bắt buộc khi qua cầu Hạc Trì. Lỗi của người lái xe này sẽ phải chịu mức phạt từ 800.000 - 1, 2 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Tồn đọng hơn 3.000 tấn mực, ngư dân Quảng Ngãi lao đao
Nguyên nhân của tình trạng này là do Trung Quốc yêu cầu phải xuất khẩu mực khô bằng đường chính ngạch và có truy xuất nguồn gốc.
Hơn 2 tấn mực khô vẫn còn trữ trên tàu cá, hàng không bán được mà chi phí vẫn phải trả. Ngư dân Trần Văn Dâng (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang rất lo lắng vì chưa biết làm thế nào để bán được số mực này, chi trả công cán cho bạn tàu và tiếp tục ra khơi.
Lâu nay, sản phẩm mực khô chủ yếu do các tiểu thương thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Hiện nay, Trung Quốc yêu cầu phải xuất qua đường chính ngạch, có doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với các đối tác Trung Quốc và yêu cầu truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là lý do khiến 3.000 tấn mực khô của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi không tiêu thụ được.
Trước đây, mặt hàng mực khô thường được xuất sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. Để mực khô được xuất khẩu theo đường chính ngạch, chắc chắn không phải "ngày một ngày hai". Hiện cả trăm tàu câu mực ở tỉnh Quảng Ngãi đang phải chịu cảnh nằm bờ. Còn ngư dân hành nghề câu mực xa bờ lao đao vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.