Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết cơn bão số 4 (có tên quốc tế là cơn bão Podul) vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay, 29-8, vị trí tâm bão số 4 trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 550km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 - 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km. Đến 7 giờ sáng mai, 30.8, tâm bão ở ngay trên khu vực ven bờ các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, tức là 60 - 90 km/giờ, giật cấp 11.
Vị trí và đường đi của cơn bão. Ảnh: NHCMF
Dự báo đến 7 giờ sáng 30/8, bão đi vào khu vực ven bờ các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 rồi đi vào đất liền các tỉnh này, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong cuộc họp sáng nay của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để triển khai công tác ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá càng về gần bờ bão số 4 di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó. Khu vực ảnh hưởng khu trú từ Nghệ An đến Quảng Bình, hẹp hơn so với dự báo ngày 28-8.
Ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT báo cáo tổng quan về tình hình ứng phó với bão số 4, sáng 29/8
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, địa phương không được chủ quan, đặc biệt công tác dự báo cảnh báo. Bên cạnh đó, tại khu vực đê biển Tây, do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam sẽ tác động đáng kể đến khu vực bờ biển Tây (các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau) nên rút kinh nghiệm ở cơn bão số 3, cần chú ý ứng phó với khu vực này.
Khi bão số 4 đổ bộ, khả năng ngập lụt, úng do bão trọng tâm rơi vào các tỉnh Thanh Hóa (5.000-7.000 ha), Nghệ An (4.000-6.000 ha); Hà Tĩnh (2.000-4.000 ha).
Để chủ động ứng phó hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu:
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão, cảnh báo mưa lớn, nước biển dâng, bao gồm cả khu vực biển Tây.
Trên biển, tiếp tục thông báo cho chủ của 358 tàu/2360 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm thoát ra ngoài, nhất là 9 tàu/102 lao động của Quảng Trị. Không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh.
Căn cứ tình hình cụ thể quyết định cấm biển tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.... Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và khách du lịch cơ sở hạ tầng.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa hè thu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, chủ động tiêu nước đệm.
Khu vực miền núi, trung du rà soát khu dân cư ven sông suối, vùng trũng thấp, hạ lưu hồ đập, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy.
Được biết, ngay trong ngày 29-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã thành lập một đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để chỉ đạo công tác phòng chống bão.