Trong lúc hàng ngàn nhà báo chỉ được tập trung tác nghiệp tại một trung tâm hội nghị lớn cách khá xa khu vực diễn ra hội nghị thượng đỉnh, chỉ có một nhóm nhỏ phóng viên, dưới sự kiểm soát chặt chẽ, được phép tác nghiệp ở tại khu vực biên giới, nơi diễn ra phút gặp gỡ đầu tiên của hai nhà lãnh đạo.
Cùng bước qua giới tuyến
Tại đó, ông Moon đứng gần vạch phân chia giới tuyến, tiến về phía trước khi ông trông thấy ông Kim trong trang phục kiểu Mao Trạch Đông tối màu xuất hiện trước tòa nhà ở phía bên kia.
Cả hai người đàn ông cùng nở nụ cười rất tươi và bắt tay nhau khi đường phân chia giới tuyến vẫn còn đang ở giữa họ.
Rồi ông Moon mời ông Kim bước qua đường này để sang địa phận Hàn Quốc. Sau khi ông Kim đã bước sang, ông Moon nói: "Anh đã bước sang miền Nam, còn khi nào tôi sẽ bước qua đây?"
Ông Kim đáp: "Tại sao cả hai chúng ta không cùng bước qua lúc này?", rồi cầm tay ông Moon, dẫn ông sang địa giới Triều Tiên, sau đó mới cùng quay trở lại địa giới của miền Nam để tiếp tục cuộc gặp.
Sau 100 ngày thay đổi thái độ đi đến cuộc gặp và phá tan những căn thẳng trước đó, giờ đây hai nhà lãnh đạo, một người 34 tuổi và một người 66 tuổi tìm cách phá tan băng cho cuộc gặp trực tiếp bằng những lời thăm hỏi của hai người bình thường trong cuộc sống.
"Anh đi đến đây bằng cách nào?", Tổng thống Moon hỏi người đối diện. "Tôi đi bằng xe hơi qua ngã Kaesong từ sáng sớm hôm nay". "Ông chắc cũng phải đi từ sáng sớm?", Chủ tịch Kim hỏi lại nhà lãnh đạo ở miền Nam. "Tôi đi cũng mất gần tiếng đồng hồ bởi vì cách đến 52 km", nhà lãnh đạo lớn tuổi hơn đáp lời.
Không đánh thức bằng… tên lửa
Sau những màn chào hỏi xã giao, đột ngột Chủ tịch Triều Tiên đổi chủ đề, đề cập đến vấn đề lớn hơn đang là nỗi đau của nhân dân hai nước.
"Trên quãng đường đi bộ khoảng 200 mét này, tôi tự hỏi tại sao khoảng cách lại xa đến thế và tại sao lại khó khăn đến thế. (…) Nhiều người đang nhìn chúng ta ở đây với những sự chờ đợi lớn lao, ở ngay địa điểm tượng trưng cho sự xung đột", ông Kim chia sẻ với người đối thoại.
Ông cũng nói về "những người đang bị căng thẳng vì những đợt bắn tên lửa của quân đội Triều Tiên, đặc biệt là cư dân đảo Yeonpyeong [nơi đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội hai bên từ cuối những năm 1990], về những người Triều Tiên phải vượt biên và những người dân phải rời bỏ quê nhà đi di tản [vì sợ bom rơi đạn lạc], đang trông chờ rất lớn vào cuộc gặp của chúng ta ngày hôm nay".
Một trong những khoảnh khắc nhẹ nhõm, ý vị đáng nhớ trong cuộc gặp liên Triều vừa qua, chính là lúc ông Kim Jong Un nói đùa với ông Moon Jae In là từ nay sẽ không dùng tên lửa đánh thức tổng thống Hàn Quốc lúc sáng sớm nữa.
Hãng tin AP dẫn lời ông Yoon Young Chan, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, kể lại chi tiết này.
Đương nhiên ý ông Kim muốn nhắc tới hàng loạt các vụ thử tên lửa tiến hành lúc rạng sáng trong năm ngoái của Triều Tiên.
Ông Kim cũng nhắc tới chuyện đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc từng bị phía Triều Tiên dùng pháo tấn công năm 2010 khiến 4 người thiệt mạng.
Nói rằng những người dân trên đảo Yeonpyeong vẫn luôn sống trong sợ hãi từ đó đã rất kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần này có thể giúp lành lại vết thương quá khứ.
Hiểu trọng trách lớn lao
Trên đường đi đến địa điểm họp, khi thấy nhiều người nhoài người ra vẫy chào, Tổng thống Moon đã nói với nhà lãnh đạo miền Bắc đầy ý nhị: "Người dân đang kỳ vọng rất nhiều. Chúng ta đang mang gánh nặng trên vai".
Chiều 27-4, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhất trí cắt giảm các vũ khí truyền thống.
"Hai nhà lãnh đạo trọng thể tuyên bố rằng sẽ không có thêm cuộc chiến nào trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu" - tuyên bố chung có đoạn.
Tuyên bố cũng bao gồm một loạt cam kết liên quan đến việc giải trừ quân bị, chấm dứt các hành động thù địch và biến khu vực biên giới chung thành "khu vực hòa bình".
Chiều tối 27-4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trở về Triều Tiên, chính thức kết thúc hội nghị mang tính lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Hình ảnh phát sóng trực tiếp trên truyền hình cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên hạ kính xe ô tô, vẫy chào phái đoàn nước chủ nhà Hàn Quốc tại Khu vực Phi quân sự sau màn biểu diễn âm thanh và ánh sáng đầy sắc màu tại lễ bế mạc hội nghị.
Tại bữa tiệc tối trước đó, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã cùng nhau thưởng thức những món ăn mang tính biểu tượng về hòa giải và hòa bình. Hai nhà lãnh đạo đã nắm tay nhau, tái khẳng định mục tiêu chung về thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên vốn bị chia cắt lần đầu tiên bởi Chiến tranh Lạnh năm 1945 và sau đó là cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ mặc dù trách nhiệm lịch sử nặng nề, song đây thực sự là một ngày có thành tựu lớn.
Theo ông, làng đình chiến Bàn Môn Điếm vốn là biểu tượng của sự chia cắt, giờ đã trở thành nơi "khai sinh ra hòa bình thế giới".
Ông nhấn mạnh cùng với nhà lãnh đạo Triều Tiên, hai bên đã mở ra con đường mới mà không còn bóng mây chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như đảm bảo việc cùng chung sống trong hòa bình và thịnh vượng.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng đây là khung cảnh rất xúc động, tái khẳng định thực tế rằng hai miền Triều Tiên là một và không thể bị tách rời, đồng thời bày tỏ vui mừng vì điều này.