Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:26
RSS

Thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất trong 10 năm: Chuyên gia nói gì?

Thứ năm, 12/10/2017, 19:30 (GMT+7)

Chưa đầy 24 giờ, thủy điện Hòa Bình đã phải mở 6 cửa xả đáy. Đây là một trong những đợt xả lũ lớn nhất ở đây trong vòng 10 năm qua (từ năm 2007).

Thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất trong10 năm quaThủy điện Hòa Bình xả lũ với 8 cửa xả đáy trong chưa đầy 24 tiếng

Thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua

Theo ghi nhận, thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua. Cửa xả đáy đầu tiên được mở từ 19h ngày 10/10. Sau đó do lưu lượng nước về hồ liên tục tăng nên Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống thiên tai đã ra lệnh mở liên tiếp thêm 6 cửa xả lũ.

Tính đến 14h ngày 11/10 mực nước hồ thuỷ điện Hòa Bình là 117,25 m. Tới 18h, đang mở 6 cửa xả, tổng lưu lượng nước xả về hạ du là 14.750 m3/s, trong đó qua chạy máy là 2.290 m3/s và qua các cửa xả là 12.460 m3/s. Mức nước hồ thuỷ điện Sơn La lúc 14h ngày 11/10 là 215m cách mức nước gia cường 217,83 m là 2,83 m.

Để giảm lưu lượng về hồ Hoà Bình, hạn chế xả lũ xuống hạ du, Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống thiên tai đã lệnh giám đốc công ty thuỷ điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước, theo dõi chặt diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về TƯ để có quyết định điều hành kịp thời.

Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả, chuyên gia nói gì?

Trao đổi trên báo Tiền Phong, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc mở cả 8 cửa xả trong một thời gian rất ngắn là không phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa.

Theo GS Hồng, Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai sau mùa lũ cần phải rà soát để rút kinh nghiệm về việc này. “Quy trình này phải xem xét lại, vì một ông thì xả tới tấp xuống hạ du, một ông thì ngừng phát điện, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất”- GS Hồng nói.

Theo vị chuyên gia này, suốt thời gian theo nghề thủy lợi của ông, thường thì cuối mùa lũ chưa khi nào hồ phải xả dồn dập như thế. Việc này sẽ gây hậu quả rất lớn, không chỉ nông nghiệp, thủy sản, mà hàng loạt đê kè, đường giao thông… cũng bị ảnh hưởng và tốn rất nhiều tiền sửa chữa.

GS Hồng cho rằng, miền Bắc hiện đã là cuối mùa lũ và đợt mưa này là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Hồ Sơn La phải đóng để cứu hồ Hoà Bình, vậy các hồ thượng nguồn là Sơn La, Lai Châu… đã thực hiện việc tích nước thế nào lâu nay, để đẩy hồ Hoà Bình rơi vào tình cảnh trên?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, việc mở cửa xả đáy hồ thủy điện là căn cứ vào dự báo mưa, lưu lượng nước đến, xả đi…và đã có trong quy trình vận hành liên hồ.

Theo GS Giang, gần đây, mưa lũ có dấu hiệu cực đoan, bất thường, nên cần xử lý xả lũ linh hoạt. Trong khi  mực nước hồ Hoà Bình đã vượt mức cho phép, lưu lượng nước về hồ tới15.000-16.000 m3/s, nếu không xả thì an toàn của đập bị uy hiếp.

Tuy nhiên,  GS Giang cũng cho rằng, theo quy trình xả thông thường, sẽ không xả dồn dập cùng lúc, mà xả tách từng đợt một để giảm thiểu thiệt hại cho hạ du, không xáo trộn đời sống và gây sạt lở hai bờ sông. “Cũng cần xem lại quy trình xả lũ, vì cũng có ý kiến là mực nước hồ Hoà Bình trước khi mưa vẫn còn dư để phòng cho mùa khô, lo thiếu nước phát điện”- GS Giang nói.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN