Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:38
RSS

Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng

Chủ nhật, 12/05/2024, 05:45 (GMT+7)

Bộ Tài chính vừa có Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng

Giao dịch bất động sản qua sàn giúp bảo vệ quyền lợi người tham gia và không làm tăng chi phí. Nguồn: DĐDN.

Bộ Tài chính cho biết, về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó, số thu về thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) từ năm 2017 đến năm 2023 tăng qua các năm. Năm 2017 là 10.818 tỷ đồng, năm 2018 là 12.963 tỷ đồng; năm 2019 là 14.447 tỷ đồng; năm 2020 là 16.213 tỷ đồng; năm 2021 là 21.142 tỷ đồng; năm 2022 là 34.746 tỷ đồng; năm 2023 là 18.618 tỷ đồng.

Năm 2022 tăng cao nhất với tỷ lệ 64,34% so với số thu năm 2021.

Liên quan đến chuyển nhượng BĐS, Bộ Tài chính cho hay, có tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng. Bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại Tòa. Do đó, rất khó để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng BĐS đặc biệt là cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.

Về phương thức mua bán BĐS, dự án BĐS: Chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS. Chủ đầu tư đang lách quy định của Luật Nhà ở về giới hạn số lượng nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu bằng cách ký Hợp đồng thu dài hạn và Bên thuê có đầy đủ các quyền như chủ sở hữu nhà ở.

Giao dịch thực tế mua bán BĐS nhưng hợp thức hóa bằng cách mua cổ phần, sau đó chia tách doanh nghiệp, Ủy quyền chuyển nhượng BĐS: Người nộp thuế chuyển nhượng BĐS không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với BĐS) nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS.

Để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổng hợp các vướng mắc trong áp dụng chính sách pháp luật liên quan gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS, có giải pháp để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.

T.Hằng
Theo Báo Đại đoàn kết