Chủ nhật, 28/04/2024 | 12:55
RSS

Thực hành ESG và hướng đi bền vững cho ngành vật liệu xây dựng

Thứ sáu, 10/11/2023, 10:55 (GMT+7)

Các chuyên gia cho rằng, ngành vật liệu xây dựng được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn khi chiếm 40% lượng CO2 thải ra môi trường năm. Do đó, cần thực hiện việc thực hành ESG để tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay.

Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Xi măng Fico-YTL tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực hành ESG - hướng đi cho ngành vật liệu xây dựng”. Tại sự kiện này, các chuyên gia và doanh nghiệp có kinh nghiệm thực hành ESG đã chia sẻ về cơ hội mà ESG mang lại cho hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp cùng những biện pháp để tối ưu hóa những giá trị mà ESG đem lại cho hoạt động kinh doanh

ESG là xu hướng phát triển tất yếu nhưng có không ít rào cản mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện cam kết. Nhất là trong ngành vật liệu xây dựng xu hướng chuyển đổi còn diễn ra chậm hơn so với mặt bằng chung.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm khi thực hành ESG trong ngành vật liệu xây dựng tại TP HCM.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm khi thực hành ESG trong ngành vật liệu xây dựng tại TP HCM.

Đối với Ngành xây dựng thực hành ESG liên quan đến khâu thiết kế, khai thác hiệu quả về tài nguyên trong một công trình bằng những vật liệu có khả năng tái chế được. Tuy vậy để chuyển đổi theo hướng bền vững trong chuỗi giá trị của ngành vật liệu xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi-măng và 91 cơ sở sản xuất thép. Trong đó, lượng phát thải mà các cơ sở sản xuất xi-măng thải ra môi trường vào năm 2015 chiếm 70% lượng phát thải trong ngành vật liệu xây dựng và đến năm 2020 là 75%.

Đối với cơ sở sản xuất thép vào năm 2016 lượng phát thải ra môi trường là 12,7 triệu tấn CO2. Đây là những thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang là khu vực cần thực hiện nhanh chóng về việc thực hành ESG để góp phần “chuyển xanh” nền kinh tế.

Mặc dù, rất cấp thiết nhưng để chuyển đổi theo hướng bền vững trong chuỗi giá trị của ngành vật liệu xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho hay, hiện nay, việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG có vai trò quan trọng khi đo lường các yếu tố phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Qua việc thực hành ESG, doanh nghiệp còn có nhiều lợi thế hơn để thu hút nhà đầu tư, người cho vay và khách hàng; đồng thời cải thiện hiệu suất tài chính và tạo sự phát triển bền vững.

Cụ thể, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí ESG như là một phương pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuyết phục người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, trong ngành vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về ESG cùng những lợi thế có được khi thực hành ESG. Vì vậy, vẫn còn tình trạng mỗi doanh nghiệp sẽ có một hành trình ESG riêng biệt.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển. "Thực hành ESG là con đường tất yếu phải đi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt ngành vật liệu xây dựng. Sản xuất xanh, tiếp thị các sản phẩm xanh, đầu tư vào con người và cộng đồng không phải là chi phí. Đây là những khoản đầu tư khôn ngoan cho tương lai của doanh nghiệp, là tự mình cứu mình để thích ứng với luật chơi “xanh” toàn cầu.

Vì vậy, nhận thức sớm về phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp rà soát một cách tổng thể mô hình kinh doanh của doanh nghiệp để có hoạch định chiến lược phù hợp, kế hoạch hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp thực hành vấn đề này sẽ có lợi thế về uy tín và thương hiệu của mình trong mắt người tiêu dùng và các bên liên quan.

 

Phương Thảo
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại