Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:02
RSS

Thông tin mới nhất vụ người phụ nữ 'mất tích' sau khi vay hàng tỷ đồng của người dân.

Thứ năm, 22/03/2018, 15:44 (GMT+7)

Cơ quan CSĐT, Công an huyện Thanh Hà kết hợp cùng với nhiều cơ quan chức năng thực hiện cấm xuất cảnh với bà Lê Thị Hạnh để phục vụ quá trình điều tra, làm rõ vụ việc bà Hạnh vay tiền của người dân nhưng không trả.

Thông tin mới nhất vụ người phụ nữ mất tích sau khi vay hàng tỷ đồng của người dân.Sau khi tiến hành vay mượn số tiền lớn của người dân, bà Lê Thị Hạnh đã "mất tích" nhiều ngày nay. Ảnh minh họa

Ngày 22/3, Công an huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết bên cạnh việc điều tra hành vi vay tiền tỷ của nhiều hộ dân rồi “mất tích” một cách bí ẩn, đơn vị này cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra thêm về nghi vấn làm giả giấy tờ đất đai để lừa đảo.

Theo cơ quan Công an huyện Thanh Hà cung cấp, số tiền cụ thể bà Hạnh vay mượn của các hộ dân như sau.

Bà Nguyễn Thị Khuyên (SN 1964, trú tại xã Thanh Hồng, Thanh Hà) cho bà Lê Thị Hạnh vay 400 triệu đồng và 5 chỉ vàng 9999 với mục đích mở rộng kinh doanh

Ông Lê Thế Vinh (SN 1960, trú tại xã Thanh Bính, Thanh Hà) cho bà Hạnh vay 140 triệu đồng

Anh Nguyễn Đức Sơn (SN 1978, trú tại phường Việt Hòa, TP. Hải Dương) cho bà Hạnh vay 3 tỷ 400 triệu đồng để đáo nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thiết (trú tại xã Thanh Bính, Thanh Hà) cho bà Hạnh vay số tiền 10.000 USD.

Ông Lưu Xuân Hiếu (thôn An Lão, Thanh Khê, Thanh Hà) đưa bà Hạnh 3 tỷ đồng để chuyển nhượng xưởng máy khâu.

Đáng chú ý nhất là trường hợp của anh Nguyễn Đức Sơn, sau khi được bà Hạnh hỏi vay tiền, anh Sơn đã chuyển số tiền 3 tỷ 400 triệu đồng vào tài khoản tại ngân hàng VietcomBank chi nhánh phường Bình Hàn (TP. Hải Dương).

Sau khi anh Sơn chuyển tiền, bà Hạnh có giao cho anh này 2 giấy nộp tiền. Sau khi đến hạn mà chưa thấy bà Hạnh trả tiền, anh Sơn cầm theo 2 giấy nộp tiền đến ngân hàng để hỏi thì được biết 2 giấy nộp tiền này là giả và số tiền 3 tỷ 400 triệu đồng của anh cũng đã được bà Hạnh rút trước đó.

Còn trường hợp của ông Lưu Xuân Hiếu (đã nói ở trên), ông Hiếu đưa 3 tỷ cho bà Hạnh để chuyển nhượng xưởng máy khâu. Quá hẹn, ông Hiếu đến hỏi thì được iết xưởng máy khâu của bà Hạnh đã được chuyển giao lại cho em gái.

Biết bị bà Lê Thị Hạnh lừa, các cá nhân này đã làm đơn gửi Công an huyện Thanh Hà để tố cáo bà Lê Thị Hạnh.

Theo đại diện Công an huyện Thanh Hà, đơn vị này cũng đang tiến hành xác minh, điều tra thêm bà Hạnh về nghi vấn làm giả giấy tờ đất đai để lừa đảo.

Trước đó, một người dân đã tiến hành mua lại 2 mảnh đất đứng tên sổ đỏ của bà Lê Thị Hạnh và bà Lê Thị Hồng (SN 1939). Tuy nhiên, qua quá trình xác minh, cơ quan Công an huyện Thanh Hà phát hiện 2 mảnh đất trên đều không phải do 2 người này đứng tên.

Theo nguồn tin riêng của Đời sống Plus, thời gian gần đây, Công an tỉnh Hải Dương cũng nhận được 1 số đơn thư của người dân về việc những người này cũng cho bà Hạnh mượn tiền nhưng đã quá hạn trả mà vẫn không liên lạc được.

Chiều ngày 22/3, trao đổi với PV Đời sống Plus, ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính (Thanh Hà) cho biết.

“Bà Hạnh trước đó làm Giám đốc 1 công ty may có địa chỉ tại xã Thanh Bính. UBND xã cũng đã nhận được đơn tố cáo của 1 số người về việc cho bà Hạnh vay tiền nhưng hiện tại không liên lạc được.

Bà Hạnh đã trải qua 3 đời chồng, sau khi nhận được đơn thư của người dân, chính quyền xã cũng đã cử người đến gia đình để tìm hiểu nhưng ngôi nhà này cửa đóng, then cài. Bà Hạnh cùng chồng gửi 2 đứa con cho bà ngoại nuôi rồi biến mất nhiều ngày nay.

Chính quyền xã chúng tôi cũng nắm được thông tin ngôi nhà nơi gia đình bà Hạnh đang sinh sống cũng đã được gán nợ cho 1 người khác. Có thể thấy một điểm chung trong tố cáo gửi cơ quan chức năng, những người này đều cho biết do thấy bà Hạnh là giám đốc nên mới tin tưởng cho vay tiền”.

Cận cảnh nơi yên nghỉ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải bên cạnh mộ phần người vợ

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN