Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:22
RSS

Thị trường việc làm chao đảo bởi Covid-19

Thứ ba, 17/03/2020, 07:33 (GMT+7)

Dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh tới nền kinh tế. Trong khi một số doanh nghiệp lớn đang nỗ lực duy trì sản xuất thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tự tạo đã phải tạm ngừng sản xuất. Điều này tác động lớn tới thị trường lao động...

Số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng

Bà Nguyễn Lan Hương - chuyên gia lao động, cho rằng, trước mắt dịch bệnh đã tác động lên hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, nhất là DN sử dụng nguồn nguyên liệu từ một số đối tác lớn như Trung Quốc; Hàn Quốc; Nhật Bản ..

Với những DN lớn, có nguồn dự trữ tài chính và nguyên liệu lớn thì họ có khả năng cầm cự và vượt qua khó khăn, nếu dịch bệnh diễn ra 3-4 tháng. Tuy nhiên, với DN tự tạo việc làm, DN vừa và nhỏ, hoặc các đơn vị hoạt động dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, trường học tư thục... thì việc duy trì hoạt động và việc làm là cực kỳ khó khăn.

Thị trường việc làm chao đảo bởi Covid-19

Thay vì giao dịch việc làm trực tiếp, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm đã phải chuyển sang giao dịch online. Ảnh:  M.N

"Qua khảo sát của tôi, gần như 70% số lao động làm trong đơn vị dịch vụ du lịch, nhà hàng, dịch vụ giáo dục đã bị mất việc, giãn việc... hoặc tạm ngừng việc. Dịch bệnh là áp lực lớn với chủ sử dụng, họ bắt buộc phải cho lao động nghỉ việc nếu không muốn phá sản" - bà Hương nói.

Thực tế, cũng có nhiều lao động đã phải xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Nguyễn Tào Vân (quê Hải Phòng), từng làm việc cho một trường mầm non tư thục ở Đại Mỗ  (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, do tình hình dịch bệnh mà các trường phải đóng cửa, trường của chị cũng phải cho học sinh nghỉ học, vì thế giáo viên cũng nghỉ làm theo. Tuy nhiên, do nhà trường vừa mới đầu tư, bắt đầu đi vào hoạt động được 5 tháng, vốn không có nhiều nên nhà trường cũng đã phải cho giáo viên tạm nghỉ việc vì không thể hỗ trợ lương cho gần 20 giáo viên.

"Hiện tại, tôi đang làm hồ sơ để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chắc phải qua đợt dịch bệnh này thì mới có thể tìm kiếm việc làm mới" - chị Vân nói.

Lao động Việt tại Hàn Quốc được gia hạn 50 ngày khi hết hợp đồng

Đây là thông tin được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thông báo cho lao động Việt Nam đang làm việc và chuẩn bị hết hạn hợp đồng về nước tại Hàn Quốc. Theo đó, phía Hàn Quốc đồng ý cho gia hạn hợp đồng do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, lao động hết hạn hợp đồng và chờ tìm việc làm mới sẽ được gia hạn việc làm khoảng 50 ngày, cụ thể từ 28/2 đến 30/4/2020 theo quy định. Trung tâm Lao động ngoài nước cũng khuyến cáo, đối với người lao động hết hạn hợp đồng trong tháng 3 và 4/2020, chủ động tìm hiểu thủ tục kết thúc hợp đồng về nước, liên hệ với các hãng hàng không để có thể đăng ký được vé máy bay theo lịch trình phù hợp.

Trao đổi về vấn đề cung - cầu lao động và tình hình lao động hưởng Bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn hiện tại, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Hiện tại trợ cấp lao động thất nghiệp bắt đầu tăng, khoảng 5 -10% trong 2 tháng đầu năm.

"Có thể vẫn chưa xảy ra tình trạng cắt giảm ồ ạt vì nhiều DN lớn, sử dụng đông lao động vẫn cầm cự tốt có thể là hết quý I/2020. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo trong thời gian tới mọi chuyện sẽ thế nào nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt" - ông Thành nói. Ông Thành cũng cho biết thêm, chỉ trong tháng 2/2020 đã có tới 10.000 lao động tại Hà Nội đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Đơn tuyển dụng giảm

Liên tiếp trong một tháng trở lại đây, các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước ghi nhận tình trạng  cung - cầu trong tuyển dụng lao động xuống đến mức rất thấp. Ông Thành cũng cho biết thêm, giai đoạn 1 thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Sau tết, số lượng đăng ký tuyển dụng qua trung tâm giảm đi rất nhiều, khoảng 15-20% so với cùng kỳ. Để giải quyết những khó khăn này, trung tâm đang nỗ lực thu thập cơ sở dữ liệu nhu cầu tuyển dụng của DN trong bối cảnh hạn chế tập trung đông người, các phiên giao dịch việc làm không được thực hiện. Trung tâm chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường cho người lao động và DN.

"Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạch hoạt động phỏng vấn trực tuyến. Không phải DN nào cũng bị ảnh hưởng vì thời điểm này họ vẫn mong muốn tới sàn để trao đổi trực tiếp với người lao động. Hoạt động của chúng tôi diễn ra trên 15 điểm sàn giao dịch. Chúng tôi có các phần mềm phỏng vấn online, hỗ trợ kết nối giữa DN và người lao động trao đổi trực tuyến qua máy tính" - ông Thành nói.

Còn theo ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐTBXH) thì các báo cáo gần đây cho thấy, nhiều ngành đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid -19. Có thể kể tới như dệt may, da giày, chế biến hải sản... hoặc lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, lưu trú, hàng không.

"Thông qua các hiệp hội DN, chúng tôi thấy rằng họ đang gặp khủng hoảng lớn, chủ yếu liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hoá với Trung Quốc Vài ngày gần đây, Trung Quốc có vẻ mở cửa trở lại, nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển, vì tình hình dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn phức tạp" - ông Vinh nói.

Nguyệt Tạ
Theo Dân Việt