Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:24
RSS

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh lưu ý điều gì?

Chủ nhật, 28/02/2021, 10:17 (GMT+7)

Trong tuần qua, Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội nghị khảo thí trực tuyến lần thứ nhất giới thiệu các bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) ở Việt Nam năm 2021. Hội nghị diễn ra tại 3 điểm cầu: Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM) và Trường ĐH Bách Khoa H

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội được tổ chức thi trên máy tính.

3 đại học lớn tổ chức kỳ thi riêng

Thông tin tại Hội nghị cho biết: Năm 2021, tính đến thời điểm này, có 3 ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng. ĐHQGHN và ĐHQGHCM mỗi trường sẽ tổ chức một kỳ thi ĐGNL riêng ở hai miền Bắc - Nam. Riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gọi kỳ thi riêng của mình là kỳ thi đánh giá tư duy. Ba kỳ thi riêng này có quy mô, cách thức đánh giá khác nhau nhưng tựu trung đều nhằm mục đích giúp các trường tuyển được người học phù hợp, đúng năng lực, giúp học sinh biết được ưu thế của mình, lựa chọn ngành nghề phù hợp…

Trong đó, ĐHQGHN, ĐHQGHCM sẽ cung cấp bài thi mẫu và thí sinh sẽ được làm bài thi trên giấy hoặc trên máy tính để quen với dạng đề, cách đặt câu hỏi, ngôn ngữ dùng để trả lời, đồng thời hiểu được nên ôn như thế nào cho tốt. Riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không đưa ra đề thi mẫu, mà chỉ đưa ra đề cương và ví dụ minh họa. Cả 3 kỳ thi của 3 trường đều tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin. Thí sinh có thể đăng ký trên hệ thống, nộp lệ phí online, nhận được điểm ngay sau khi thi xong. Riêng tờ kết quả có dấu xác nhận của trường sẽ được trường gửi theo đường bưu điện về cho thí sinh.

Đề thi của ĐHQGHN dài 195 phút với 150 câu hỏi. Còn bài thi của ĐHQGHCM dài 150 phút với 120 câu hỏi. Bài thi kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dài 180 phút chia hai phần. Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và đọc hiểu (trắc nghiệm); phần tự chọn (trắc nghiệm). Hiện chỉ có ĐHQGHN tổ chức thi trên máy. Còn ĐHQGHCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thi trên giấy.

Về ngân hàng đề thi, lãnh đạo các trường tổ chức thi ĐGNL đều cho biết, đã chuẩn bị sẵn ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi. Đề thi sẽ bao quát kiến thức của ba năm THPT và kiến thức của lớp 12 sẽ được kiểm tra nhiều hơn. Mỗi câu hỏi cung cấp đủ kiến thức để kiểm tra năng lực, tư duy phân tích của thí sinh chứ không thiên về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc của thí sinh…

Đừng mất thời gian vào lò luyện

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQGHN cho biết: Ngân hàng đề thi của ĐHQGHN có tới 12.000 đến 15.000 câu hỏi, đảm bảo mỗi em có một đề thi riêng. Bài thi nhằm kiểm tra năng lực tư duy của học sinh, do đó sẽ cung cấp đủ thông tin để các em có thể phân tích, trả lời. Bài thi được thiết kế nhằm chống lại cách học thuộc lòng cũng như học gì thi nấy kiểu ngày xưa. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. “Chúng tôi khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi”- ông Thảo nói.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQGHCM cũng thông tin: Bài thi của ĐHQGHCM cung cấp nhiều dữ liệu nhất để thí sinh thể hiện năng lực phân tích, hạn chế tối đa khả năng nhớ, thuộc. “Ban đầu chúng tôi rất lo tìm cách cân đong ma trận đề thi nhưng sau 3 năm thực hiện kỳ thi riêng, chúng tôi thấy phổ điểm 3 năm trùng khớp, chứng tỏ bài thi đã đạt được sự ổn định, giúp chúng tôi tự tin hơn trước”- ông Chính nhấn mạnh.

Năm 2021, kỳ thi ĐGNL tại ĐHQGHN và ĐHQGHCM đều không yêu cầu thí sinh phải sơ tuyển. Nhưng riêng Trường ĐH Bách khoa với đặc thù tuyển sinh viên cho ngành kỹ thuật sẽ yêu cầu thí sinh phải sơ tuyển. Đơn cử trường sẽ xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của điểm 3 môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Văn - Anh và điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn sơ tuyển đạt từ 7.0 trở lên. Cả 3 trường đều sử dụng kết quả bài kiểm tra ĐGNL này làm kết quả để tuyển sinh ĐH. Ngoài ra, 3 trường vẫn duy trì xét tuyển thẳng cũng như sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Lưu ý về đề minh họa và thời gian thi

Hiện, ĐHQGHCM đã công bố đề thi mẫu vào trung tuần tháng 1/2021. Thí sinh có thể đăng ký dự thi trực tuyến vào trường tại trang https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ đến ngày 5/3 để dự kỳ thi ĐGNL đợt 1, diễn ra vào ngày 28/3 tại TP HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Ma Thuột. Đợt 2 của kỳ thi này sẽ  ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4/7 tại TP HCM, An Giang, Đà Nẵng, Nha Trang.

Theo kế hoạch, ngày 15/3/2021, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sẽ công bố bài thi mẫu để thí sinh tham khảo. Trường dự kiến tổ chức kỳ thi với quy mô khoảng 10.000 thí sinh chia thành 6 đợt/năm, trong đó đợt 1 dự kiến bắt đầu ngày 8-9/5/2021 đến hết tháng 7/2021. Kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2021 không giới hạn số lần dự thi của thí sinh.

Tuy nhiên, thời gian dự thi giới hạn cách nhau tối thiểu là 28 ngày. Thí sinh phải làm tuần tự từ phần 1 (Tư duy định lượng) đến phần 2 (Tư duy định tính) rồi sang phần 3 (Khoa học). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay trở lại làm các câu hỏi ở phần 1.

Còn Trường ĐH Bách khoa không đưa ra đề thi mẫu mà chỉ đưa ra đề cương và ví dụ minh họa. Kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm của Miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 - 10.000 thí sinh…     

Tùng Linh
Theo Đại đoàn Kết