Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:37
RSS

Theo luật, xe cứu hỏa có được phép đi ngược chiều trên cao tốc?

Thứ hai, 19/03/2018, 11:27 (GMT+7)

Liên quan đến vụ xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc gặp tai nạn với xe khách khiến 1 chiến sĩ tử vong. Nhiều người đặt câu hỏi liệu xe cứu hỏa có được đi ngược chiều trên cao tốc?

 


Clip vụ tai nạn thương tâm

Xe cứu hỏa có được phép đi ngược chiều trên cao tốc
Xe cứu hỏa có được phép đi ngược chiều để cứu nạn trên cao tốc?. Ảnh Vnexpress.

Vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giữa xe cứu hỏa và xe khách gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, một xe cứu hỏa trên đường đi cứu nạn đã đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ gặp tai nạn với xe khách. Sau vụ tai nạn, nhiều người bị thương và một chiến sĩ cảnh sát PCCC đã tử vong vì vết thương quá nặng.

Theo lãnh đạo phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy số 12, thời điểm xảy ra tai nạn, xe chữa cháy đang di chuyển ngược chiều để cấp cứu nạn nhân vụ tai nạn trước đó. Nhiều người cho rằng xe ưu tiên được quyền đi vào làn ngược chiều, trong khi số khác cho rằng không được phép, Vnexpress đưa tin.

Theo Luật sư Đặng Thành Chung (đoàn luật sư thành phố Hà Nội), xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ, kể cả đường cao tốc. Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, xe cứu hỏa được quyền đi vào làn đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ, phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.

Điều 12 Luật này cho biết ngoài quyền được đi vào đường ngược chiều, xe còn được phép đi vào các đường khác có thể đi được, kể cả khi tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. 

Với các phương tiện trên đường, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, trong tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra tối hôm qua, việc xe cứu hoả đi vào đường ngược chiều trên cao tốc là hoàn toàn được phép theo Luật Giao thông đường bộ, theo Dân trí. 

Trong khi đó, trong Nghị định 46/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, lái xe bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng đối với đối với hành vi: 

Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (Điều 5 khoảng 6 điểm d); ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hành thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (Điều 5 khoản 12 điểm b).

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.


Xem thêm: 
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ xe cứu hỏa tông trực diện xe khách

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN