Thứ tư, 17/04/2024 | 03:45
RSS

Thêm chuyện kỳ bí về gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa: Chị dâu tôi luôn ở trên "ngai"

Thứ bảy, 22/07/2017, 08:48 (GMT+7)

Tại gia đình em gái ở quê nhà cũng có hàng trăm chiếc lưỡi cày được kết thành cây dài và chôn ở chính giữa nhà, chọc qua mái ngói, xiên thẳng lên trời...

LTS: Mới đây, Đời sống Plus đăng tải loạt bài về trường hợp kỳ quái của gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở xã Thành Vân (Thạch Thành, Thanh Hóa). Từ một gia đình khá giả nhất vùng bỗng nhiên vào năm 2001, bà Thành bất ngờ bán hết đàn trâu bò, mua hàng vạn chiếc bát, hàng ngàn chiếc lưới cày về treo lên cây và chôn trong vườn, trong nhà…

Mẹ con bà Thành thì gần tuyệt giao với thế giới bên ngoài và chỉ khi nhà hết những nhu yếu phẩm cần thiết thì ông Thái (chồng bà Thành) mới xuất đầu lộ diện nhưng ăn mặc vô cùng kỳ dị.

Rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư về tòa soạn thắc mắc, tại sao sau gần 20 năm trời cả gia đình bà Thành sống kỳ dị và khốn khổ như vậy nhưng anh em họ hàng hai bên không có sự can thiệp?

Người thân ở quê lên chơi cũng bị xua đuổi

Để giải đáp cho những thắc mắc trên, ngày 21/7, PV đã tìm về xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn – quê của hai vợ chồng bà Thành - ông Thái để tìm hiểu sự việc. Bởi đã hẹn trước nên khi chúng tôi tìm đến xóm 1 Thống Nhất, nơi nhà bà Mai Thị Tình (em gái ông Thái) đang sinh sống thì ngôi nhà nhỏ này đã chật ních người.

gia đình kỳ lạ ở Thanh Hóa

Gia đình ông Thái kể lại những chuyện kỳ lạ với phóng viên

Nhà bà Tình rất nghèo, trong nhà hiếm có vật dụng gì đáng giá. Chồng bà Tình mất đã lâu, đứa con trai duy nhất sau khi vào miền Nam làm ăn đã lập gia đình và ở luôn trong đó. Bây giờ ở nhà chỉ có bà Tình và người mẹ già Ngô Thị Hoãn đã 95 tuổi.

Bà Hoãn có tất cả 7 người con, ông Mai Văn Thái (SN 1950) là con cả. Sau ông Thái còn có 6 người em, gồm 3 trai 3 gái.

Mấy gia đình em ông Thái đều giống nhau ở một điểm là nhà nào cũng nghèo. Cách đây vài năm, tất cả đều là hộ nghèo của xã. Thế nhưng, theo tiêu chí mới, bây giờ đã tiến một bước thành… hộ cận nghèo. Gia đình 3 người em trai và 2 người em gái của ông Thái giờ vẫn sinh sống tại xã Nga Thạch. Chỉ có cô con gái út đã chuyển vào miền Nam và ông Thái sống ở huyện Thạch Thành.

Gia đình ông Thái từng khá giả nhất và là niềm tự hào của cả gia đình. Trước, ông Thái đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ trở về quê và nên duyên vợ chồng với bà Thành ở làng bên. Một thời gian sau đó, vợ chồng ông Thái lên xã Thành Vân làm công nhân lâm trường.

Ông Thái vốn là người chăm chỉ, siêng năng. Bà Thành lại lanh lợi, tháo vát. Đến với mảnh đất Thành Vân vợ chồng ông Thái đã sớm tạo cho mình một cuộc sống sung túc, đầy đủ. Cuộc sống của vợ chồng ông Thái càng trở nên viên mãn bởi 3 đứa con, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi nức tiếng.

Đang là gia đình giàu có nhất vùng, năm 2001 khi vừa nghỉ hưu, vợ chồng ông Thái định chuyển nhà về quê thì bỗng nhiên xẩy ra chuyện khó hiểu trên. Bởi chuyện kỳ quặc đó mà gia đình ông Thái đã từ bỏ ý định về quê và sống cảnh "lìa xa cõi phàm".

Ông Mai Văn Bình - em trai kề ông Thái cho biết, trước đây mấy anh em dưới quê thường xuyên lên thăm gia đình anh trai. Từ ngày gia đình ông Thái "có chuyện", mọi người còn năng lên thăm hơn trước.

Tuy nhiên, như những người bình thường khác, bà Thành cũng “cấm cửa”, không cho ai vào nhà. Lần nào lên mọi người cũng bị đuổi khi mới đặt chân vào vườn. Có lần, dù bị xua đuổi nhưng ông Bình vẫn cố nấn ná lại lập tức bà Thành ra lệnh: “Chúng mày tống cổ ông kia ra!”. Chỉ chờ lệnh của mẹ, mấy đứa cháu liền cầm dao “tiễn chú” ra tận đường cái.

Ông Bình kể, trước kia khi chưa bị bệnh, cứ người ở quê lên là gia đình ông Thái đón tiếp vô cùng thân tình. Có gà mổ gà, có lợn mổ lợn. Các con ông Thái thì quý các chú, các cô. Có bận, thấy chú đạp xe mệt nhọc, mấy đứa cháu ấy còn theo tiễn cả mấy cây số để đẩy xe giúp chú qua quãng đường dốc gập gềnh khó đi.

ngôi nhà kỳ lạ ở Thanh Hóa

Anh em ông Thái vẫn chưa thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy đến với gia đình anh mình 

"Chị ấy và các cháu thay đổi đến khó ngờ, chúng tôi không thể lý giải được nữa!", ông Bình kinh ngạc cho biết.

Mấy năm nay, sức khỏe yếu, không thể đạp xe đạp 60 km lên thăm anh nên ông Bình cũng như mấy người em giao việc thăm gia đình bác cho các các con. Gọi là lên thăm nhưng cũng chỉ đứng ở ngoài vườn rồi lại ra về vì không ai được vào nhà.

Nhân chứng từng giáp mặt người đàn bà bí ẩn: Chị dâu tôi luôn ngồi trên "ngai"

Trong mấy anh em ở quê, ông Mai Văn Chinh được đánh giá là người khéo léo, mềm mỏng nhất. Có lẽ nhờ ưu điểm này nên kể từ khi bà Thành tuyên bố “đóng cửa” duy nhất chỉ có ông Chinh được vài lần vào “diện kiến” bà Thành.

Ông Chinh cho biết, để được vào gặp bà Thành, ông cũng phải thuyết phục cả tiếng đồng hồ. Vào nói được mấy câu, bà Thành lại “mời” ra ngay.

“Trong nhà, chị Thành cho làm một cái giá ngay chính giữa nhà và ngồi lên đó. Chị nói rằng đó là ngai vàng và ngồi đó để chỉ đạo chồng và con làm việc. Cũng thời điểm đó, chị cho làm nhiều chòi nhỏ quanh vườn. Đến tối, mỗi người ngủ một chòi và gọi đó là vọng gác”, ông Chinh kể.

Cũng theo lời ông Chinh thì ông cũng chỉ được ở trong nhà chưa đầy một giờ đồng hồ. Suốt thời gian đó, bà Thành dáng người to béo cứ ngồi trên ngai, ông Thái và mấy người con thì chống gậy đứng ở dưới, bà Thành sai gì thì họ răm rắp "tuân lời". Hôm ấy, tới bữa ăn, ông đã cố chờ nhưng không ai mời ông dùng bữa, cũng không thấy nhà nổi lửa nấu nướng gì.

"Chị ấy béo và trắng hơn trước nhiều, tóc vẫn dài như xưa và ăn nói thì không thấy có gì là khác cả", ông Chinh nhớ lại.

Cỡ gần chục năm lại đây, không hiểu vì lý do gì bà Thành cũng "cấm cửa" luôn ông Chinh. Không được vào nhà nữa nên người thân 2 bên nội ngoại không biết bà Thành sống chết thế nào.

ảnh

Cột lưỡi cày trước đây xuyên qua mái nhà cả mét nhưng bị mưa bão quật gãy, giờ chỉ còn một đoạn ngắn thò ra

Kể về gia đình anh trai, mấy anh em ông Chinh không ai cầm được nước mắt khi nói về cái chết của Tâm. Lần đó, ông Thái về quê mấy ngày, hôm quay lên nhà thì biết con mất. Nhận được tin dữ trên, họ hàng 2 bên nội ngoại vội vàng cử người lên ngay trong đêm. Thế nhưng, lên đến nơi bà Thành vẫn cho rằng con đang ngủ và không cho mang cháu Tâm ra ngoài.

Phải rất vất vả, mọi người mới vào đưa được xác Tâm ra. Lúc này, bà Thành lại ra điều kiện phải chôn cháu Tâm trong vườn, không được mang ra nghĩa trang. Tình thế khẩn cấp, vì cháu Tâm đã bắt đầu phân hủy nên anh em đành phải nghe lời.

Mọi người chôn Tâm ngay ở góc vườn, cạnh "trạm gác" đầu tiên. Điều kỳ quái là bà Thành không cho mọi người đắp mộ. Chỗ chôn Tâm bà thành "chỉ đạo" là phải san bằng, không những thế, xú uế ở nơi buộc bò ngày trước bà Thành bắt xúc về rải lên mộ.

lưỡi cày

Cột lưỡi cày được dứng đứng giữa nhà ngay chỗ tiếp khách

Ngày ấy, hàng xóm biết tin mang vàng, hương sang làm lễ nhưng bà Thành cũng bắt họ mang về. Không còn cách nào khác mọi người gom vàng hương lại đốt thành đống ngay cạnh mộ.

Nhà em gái ở quê cũng trấn yểm vô số lưỡi cày

Bố ông Thái đã mất cách đây mấy chục năm nhưng cụ Hoãn dù nằm liệt một chỗ nhiều năm nay, hai mắt cũng chẳng nhìn thấy gì nhưng đổi lại đôi tai của cụ vẫn còn rất thính nhạy và đầu óc khá minh mẫn.

Bà Tình bảo, dù cụ không nhìn thấy gì nhưng chỉ nghe tiếng ông Thái về đến cổng là cụ biết. Cụ vẫn thường xuyên thắc mắc, sao lâu lắm không thấy cái Thành và mấy đứa cháu về thăm. Những lúc đó, bà Tình chỉ biết nói dối cụ là mọi người đều bận. Lúc chúng tôi vào thăm, bà cụ nằm một chỗ ấy đã òa khóc gọi tên con cháu mình.

 

Về phần ông Thái, từ ngày bị bà Thành sai khiến ông cũng đã thay đổi rất nhiều. Mỗi lần về quê ông Thái vẫn trò chuyện khá bình thường với mọi người nhưng khi hỏi về vợ và các con là ông Thái lảng tránh.

Sự khác biệt lớn nhất ở ông Thái là cách ông ăn vận trên người. Dù nắng hay mưa, đông hay hè, ông vẫn mặc đúng một bộ trang phục. Đầu thì phía trong đội mũ được tết bằng dây ni-lon màu xanh. Mũ ôm kín đầu, còn có cả vòng sắt lồng vào như vòng kim cô.

Bà Mai Thị Sáu - em gái thứ sáu của ông Thái kể, kể cả khi ngủ ông Thái vẫn đội chiếc mũ này. Hỏi thì anh trai bảo, bỏ chiếc mũ ra là đầu đau ê buốt không chịu nổi.

Ngoài chiếc mũ tự đan trên thì ông Thái còn đội thêm chiếc nón được làm bằng bạt. Chiếc nón nhọn như của lính canh ngày trước.  

Kỳ quái hơn là trên người ông Thái cũng mang rất nhiều sắt. Ước chừng có khoảng 5kg sắt được ông Thái buộc quanh bụng. Ông bảo, ông phải mang để trừ khử tà ma. Như "mũ kim cô", lúc nào ông Thái đeo những đai sắt ấy bất kể thức hay ngủ.

gia dinh ky la o thanh hoa

Cột lưỡi cày được chôn sâu nửa mét

Bởi ăn vận khá kỳ dị nên mỗi lần về quê, ông Thái như người nổi tiếng khi đám thanh niên cứ quây lấy ông để… chụp ảnh kỷ niệm.

Bây giờ, khoảng 3 tháng ông về quê để lĩnh lương một lần vì hộ khẩu của ông vẫn ở quê. Mỗi lần về chỗ đầu tiên ông tìm đến là nhà bà Tình, nơi có người mẹ già luôn mong ngóng ông. Thế nhưng, lạ lùng là mấy chục năm rồi, chưa bao giờ ông ngủ lại ở nhà bà Tình. Nếu phải ngủ lại qua đêm, ông luôn ở nhà bà Mai Thị Sáu.

Hoàn cảnh bà Sáu cũng rất khó khăn. Chồng mất khi đứa con duy nhất còn đỏ hỏn. Có một điều khá kỳ lạ là tại nhà bà Sáu cũng có một cây lưỡi cày giống như nhà ông Thái ở Thành Vân. Chỉ khác, cây lưỡi cày ở nhà bà Sáu được chôn ngay giữa nhà, xuyên qua mái ngói rồi chọc thẳng lên trời.

Bà Sáu cho biết, cây lưỡi cày đó đã có hơn 15 năm và do ông Thái trực tiếp làm. “Ngày đó tôi nghe anh Thái bảo, phải dùng nhiều lưỡi cày, cắm vào nhau tạo thành cây cao để trừ ma tà”, bà Sáu kể.

Ông Thái là người trực tiếp đi mua lưỡi cày và trực tiếp thi công công trình kỳ quái này. Không “trồng” cây lưỡi cày ngoài vườn như ở Thành Vân mà ông Thái trồng ngay giữa nhà, chỗ bàn tiếp khách. Cột trừ tà kỳ lạ này được chôn sâu hơn nửa mét. Chân cột, ông Thái cho chôn 2 cái ống cống, bà Sáu không biết để làm gì.

Cột lưỡi cày

Bà Sáu bảo nhiều lần con bà muốn tháo bỏ cho đỡ vướng nhưng ông Thái không cho phép

Sau khi cây lưỡi cày hoàn thành, ông cũng cho vứt bỏ luôn bát hương, không cho em gái thờ cúng nữa. Bà Sáu kể, có lần bà lén giấu anh minh lập bát nhang để thắp hương và hễ thấy anh về là bà đem bát nhang đi giấu. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách gì mà ông Thái biết việc đó và ngay lập tức bắt em mình đem bỏ bát hương đi.

Do thời gian, phần từ nóc nhà chọc lên trời giờ đã gãy đổ nhưng cây lưỡi cày trong nhà bà Sáu vẫn còn nguyên. Vì nằm giữa nhà, lại ở phòng khách nên rất bất tiện trong sinh hoạt nên mấy lần con bà Sáu đề nghị mẹ dỡ bỏ nhưng bà Sáu không dám làm.

(Còn nữa)

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN