Thứ năm, 21/11/2024 | 20:43
RSS

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Thứ sáu, 14/06/2024, 16:45 (GMT+7)

Thời điểm này, các trường THPT đang đẩy nhanh quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh khối 12 sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Các thí sinh lớp 12 chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ.

Tích cực luyện đề

Ghi nhận của Báo giáo dục và Thời đại tại Trường THPT Nguyễn Bính (huyện Vụ Bản, Nam Định), thầy và trò khối 12 vẫn đang miệt mài cho khâu ôn luyện trước khi kỳ thi chính thức diễn ra vào cuối tháng 6 này.

Thầy Vũ Chí Công - giáo viên môn Hóa học của trường chia sẻ, trước khi kết thúc năm học 2023-2024, thầy đã bắt đầu tiến hành ôn tập cho học sinh. Đến nay, thầy trò cùng nhau tổng hợp các kiến thức đã học kết hợp với luyện đề để tăng cường kỹ năng làm bài.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Việc cho các học sinh luyện đề cũng rất quan trọng trong giai đoạn 'nước rút' hiện nay. Ảnh: Đình Tuệ.

Đây là lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình GDPT 2006, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc đề thi tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là căn cứ để thầy trò các nhà trường THPT điều chỉnh phương pháp ôn tập sao cho hiệu quả, động viên tinh thần để học trò có tâm lý thật tốt trước, trong và sau khi thi.

"Từ đề thi tham khảo, tổ nhóm bộ môn của nhà trường đã họp và phân công nhiệm vụ cho từng người kết hợp các câu hỏi liên quan kiến thức thực tế cho học sinh rèn luyện. Thầy cô cũng không ngừng nhắc nhở các em chú ý cách làm bài cũng như tô đáp án đúng với dạng đề thi trắc nghiệm", thầy Công phân tích.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPTCô trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản đang tích cực ôn tập. Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Phạm Thị Nguyện, giáo viên môn Lịch sử của Trường THPT Nguyễn Bính nhấn mạnh, ngay sau khi có đề tham khảo, tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch ôn tập bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đồng thời phát triển thêm nhiều bộ đề để rèn kỹ năng làm bài cho học sinh.

Các câu hỏi liên hệ thực tế thường mang tính vận dụng cao nhằm phân loại được thí sinh xuất sắc. Các thầy cô cũng cố gắng xây dựng nên những đề thi với đầy đủ câu hỏi ở cả 4 dạng nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để học sinh làm quen, luyện kỹ năng làm bài hiệu quả.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Phút giải lao vui vẻ của cô trò sau những giờ ôn tập căng thẳng trên lớp. Ảnh: Đình Tuệ.

Đinh Hải Ly, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Bính cho biết, để có thể vượt qua kỳ thi một cách thành công thì mỗi thí sinh phải nắm chắc kiến thức và chăm chỉ luyện đề các môn. Với môn Ngữ văn, nữ sinh này tập trung ôn các dạng đề cũng như đọc thêm nhiều sách, tư liệu để củng cố kiến thức xã hội cho mình.

Đa dạng nguồn tài liệu ôn thi

 

"Đầu tiên các em phải nắm được kiến thức cơ bản để giải quyết các câu hỏi ở dạng nhận biết và thông hiểu. Tiếp đó là cho học sinh luyện đề của nhóm chuyên môn trên cơ sở đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Nam Định cũng xây dựng nguồn đề để tập huấn cho các trường trên địa bàn tỉnh để chúng tôi chủ động trong việc ôn tập", cô Nguyện trao đổi thêm.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Cô Trần Thị Diệu Linh - giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: Đình Tuệ.

Tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Nam Trực, Nam Định), cô Trần Thị Diệu Linh - giáo viên Ngữ văn nhấn mạnh, ngoài học trên lớp, cô cũng tích cực giao cho học sinh tự ôn theo đề cương tại nhà để rèn luyện kỹ năng. Những nội dung còn vướng mắc sẽ được cô trò giải quyết ở lớp. Nhà trường cũng tiến hành nhiều đợt khảo sát cho các em.

Để làm tốt phần Nghị luận xã hội, cô Diệu Linh cho rằng, đầu tiên học sinh phải nắm được kỹ năng để từ đó nhận biết và áp dụng cách làm mà thầy cô đã định hướng. Các em cần biết vận dụng những kiến thức thực tế để khéo léo đưa vào trong bài viết của mình một cách khoa học, logic và phải có tính thuyết phục.

"Các em có thể tiếp cận thông tin thời sự bằng cách chịu khó đọc báo, nghe đài hoặc thông tin trên mạng xã hội. Từ đó có sự chắt lọc xem vấn đề đó có tiêu biểu hay không, dù có vào đề thi hay không thì đó cũng là kinh nghiệm sống cho bản thân", cô Diệu Linh lưu ý thêm.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Nữ sinh Vũ Thị Phương Anh có niềm đam mê với Giáo dục Mầm non và quyết tâm chinh phục mục tiêu này. Ảnh: Đình Tuệ.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Giáo dục Mầm non của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, em Vũ Thị Phương Anh - học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Du đã tự lên cho mình kế hoạch ôn tập từ đầu năm học cho đến ngày thi. Nữ sinh này sẽ xét tuyển theo tổ hợp M00 (Ngữ văn, Toán và Năng khiếu).

Ngoài học trên lớp hai môn Ngữ văn và Toán ở trên lớp, Phương Anh cũng chủ động tự học năng khiếu trên các trang mạng. Với các phân môn trong bài thi tổ hợp KHXH (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân), em đặt quyết tâm sẽ đạt được từ 8 điểm trở lên mỗi phân môn.

Thầy trò tốc lực ôn tập 'chặng cuối' thi tốt nghiệp THPT

Thầy Trần Mạnh Chiến chia sẻ về chiến lược ôn tập cho học sinh lớp 12 của trường. Ảnh: Đình Tuệ.

Thầy Trần Mạnh Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bính (Nam Định) chia sẻ, nhà trường đã có nhiều hoạt động tư vấn định hướng và hướng dẫn học sinh lựa chọn ngành nghề theo năng lực ngay từ năm lớp 10. Từ đó, các em có thiên hướng tập trung vào những môn phục vụ chọn nghề nghiệp. Thầy cô tập trung nâng cao hiệu quả giảng dạy.

"Nhà trường cũng lựa chọn các giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy và ôn tập cho các em lớp 12 sao cho hiệu quả. Năm nay, số lượng em đăng ký thi theo tổ hợp KHTN nhiều hơn so với năm ngoái. Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh ôn thi tại lớp. Đồng thời phối hợp với phụ huynh nhắc nhở các em giữ gìn sức khỏe tâm lý thoải mái để đạt kết quả thi tốt nhất", thầy Chiến nhấn mạnh thêm.
Đình Tuệ
Theo báo Giáo Dục Thời Đại