Thứ tư, 24/04/2024 | 18:18
RSS

Tham khảo các ngành học mới mở: Nhiều ngành 'hot', cơ hội việc làm cao

Thứ sáu, 14/04/2023, 06:50 (GMT+7)

Các ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2023 hứa hẹn sẽ là những ngành hot, được thí sinh quan tâm. Các chuyên gia đánh giá những ngành mới này có cơ hội việc làm cao cho sinh viên khi ra trường.

Nhiều ngành học mới tiếp tục được mở

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có các ngành/chương trình đào tạo dự kiến mở mới là Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Trường Đại học Thương mại đào tạo thêm 5 chương trình đào tạo mới, bao gồm chuyên ngành Phân tích kinh doanh trong môi trường số (ngành Kinh tế số), Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế Trong đó, 3 ngành sau thuộc chương trình chất lượng cao.

Tham khảo các ngành học mới mở: Nhiều ngành hot, cơ hội việc làm cao

Nhiều trường đại học mở ngành học mới thu hút thí sinh. Ảnh: NTCC

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dự kiến tuyển sinh thêm bốn ngành mới gồm Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao) với tổng chỉ tiêu lên mức gần 4.300, tăng gần 500 so với năm ngoái.

Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) ra mắt chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành Thiết kế sáng tạo với ba chuyên ngành Đồ họa công nghệ số, Thiết kế thời trang và sáng tạo, Thiết kế nội thất bền vững. Ngành này bắt đầu tuyển sinh từ năm nay với 150 chỉ tiêu.

Theo thông tin tuyển sinh, Trường Đại học Phenikaa đã quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên là 7.668 sinh viên, tăng 1810 chỉ tiêu, tăng khoảng 23,4% so với năm ngoái. Số lượng tăng chỉ tiêu đến từ 5 ngành học mới, bao gồm: Ngôn ngữ Pháp, Đông Phương học, Răng - Hàm - Mặt, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật phần mềm.

Trong đó Ngôn ngữ Pháp có chỉ tiêu 200 sinh viên, Đông Phương học chỉ tiêu 400 sinh viên, Răng - Hàm - Mặt có chỉ tiêu 200 sinh viên, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có chỉ tiêu 300 sinh viên, kỹ thuật phần mềm có chỉ tiêu 100 sinh viên.

Phương thức xét tuyển phổ biến vẫn là xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT. Năm nay trường dự kiến sẽ tuyển sinh theo 3 hình thức sau: Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa với 10 - 20%; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: 40 - 60%; xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT: 30 - 40%. Cùng với đó là Quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng với 4 loại: Học bổng tài năng, học bổng xuất sắc, học bổng giỏi quốc gia, học bổng chắp cánh tương lai. 

Trước đó, nhiều trường đại học trên cả nước cũng đã thông báo sẽ mở thêm ngành mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Có nên học ngành mới?

PGS. TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng thí sinh không nên lo lắng trước những ngành mới vì khi đưa ra các ngành học mới, các trường đều có khảo sát nhu cầu, đánh giá, cân nhắc và qua các hội đồng thẩm định, phê duyệt.

"Các xu hướng cũ qua đi sẽ có các xu hướng mới thay vào và tạo ra nhiều việc làm mới. Nếu tiếp cận sớm thì chúng ta cũng có nhiều cơ hội là chuyên gia sớm về lĩnh vực đó. Nếu chúng ta chỉ đi theo những xu hướng cũ đã nhiều người theo thì khó có thể vượt qua những người đã có kinh nghiệm... Do đó, theo tôi, những ngành mới sẽ là cơ hội mới cho các em", PGS Nguyên nói.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng việc mở ra những ngành mới đều phụ thuộc vào cơ chế của Nhà nước, đặc thù của mỗi ngành, mỗi trường và được trường nghiên cứu kỹ càng. Dù chương trình những ngành mới đa phần đều phải hoàn thiện trong vòng 1-2 năm nhưng lại có lợi thế là liên tục cập nhật, đặc biệt là những công nghệ mới nhất, những gì hay nhất, hợp lý nhất…

"Khi lựa chọn ngành nghề chúng ta phải có tầm nhìn xa. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh yên tâm trong quá trình chọn ngành. Nếu thật sự các em yêu thích, có năng lực về ngành mới nào đó thì các em có thể lựa chọn và chúng ta có thể tiên phong", PGS Nguyễn Phú Khánh phân tích.

Theo ThS Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Thương mại, khi mở ra một ngành mới, bao giờ các trường đại học cũng có nghiên cứu, khảo sát nhu cầu việc làm ít nhất 5-7 năm tới. "Không trường đại học nào cảm nhận ngành học đó đang hot và mở ra. Những ngành học mới đều phải được nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực giảng dạy rồi mới tuyển sinh", ông Trung cho hay.

Bên cạnh đó, TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhận định các ngành truyền thống sẽ có phần an toàn hơn với thí sinh. Tuy nhiên, với những ngành mới, thí sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá, khai phóng bản thân. TS Sơn lưu ý khi lựa chọn ngành nghề, đam mê, sở thích chỉ là một phần, thí sinh nên đánh giá năng lực, tố chất của bản thân để có sự lựa chọn phù hợp.

Tào Nga
Theo Dân Việt