Tết thời bao cấp: Cháy hàng Tết, nhân viên mậu dịch trốn khỏi cửa hàng. Nhà nghiên cứuu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Nhật Linh
Thời bao cấp đã lùi xa hơn 30 năm nhưng với nhiều người từng sống trong giai đoạn đó, đây là cả một miền ký ức không thể nào quên, đặc biệt là những ngày cận Tết Nguyên Đán.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (SN 1955) cho biết: “Thời bao cấp mọi mặt hàng từ xà phòng, que diêm cho đến nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo, mắm, muối, thịt, cá... đều phải mua bằng tem phiếu tại các cửa hàng mậu dịch, bách hóa nhưng với định mức rất ít ỏi”.
Theo ông Hùng Vĩ, tất cả các loại tem phiếu này chỉ có giá trị trong tháng, hàng lại khan hiếm nên mọi người tranh nhau đi mua. Vì vậy, các cửa hàng thực phẩm luôn bị quá tải.
Có người chờ đợi, đến phiên mình thì nhân viên lại thông báo hết hàng nên mới có chuyện mậu dịch 6 giờ mở cửa mà người dân “rồng rắn” đi từ 2, 3 giờ sáng, dùng hòn gạch, lồng gà, dép nhựa giữ chỗ. Nhiều tình huống dở khóc dở cười, người dân đánh nhau đến “sứt đầu, mẻ trán” chỉ vì chuyện xếp hàng.
Xếp hàng mua thực phẩm là đặc trưng của thời bao cấp. Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo
“Năm lên 10 tuổi, 2 giờ sáng tôi cùng cha đi mua thực phẩm. Giáp Tết, trời mưa phùn gió bấc, rét căm căm, tôi mặc chiếc áo len mỏng, sờn rách, ngồi phía sau xe đạp, hai hàm răng va vào nhau lập cập.
Đến nơi, trời vẫn tối om, ánh đèn đường hiu hắt vàng vọt, đã thấy bóng người nhốn nháo, tiếng trò chuyện huyên náo cả một góc phố.
Một người phụ nữ tay xách cái lồng gà đứng xếp hàng, một lúc sau bà bỏ ra ngoài đi vệ sinh. Trước khi đi bà ấy đặt lồng gà vào giữ chỗ. Khi quay lại, bà thấy lồng gà bị vứt lăn lóc ra ngoài, nơi mình đánh dấu đã có người khác đứng.
Bà đến đòi, hai người cự cãi, không ai chịu nhường, quay ra xô xát, cào nhau đến chảy máu, mọi người phải can ngăn mãi mới thôi. Việc như vậy ở thời bao cấp xảy ra như cơm bữa…” - ông Hùng Vĩ nhớ lại.
Nhà nghiên cứu sinh năm 1955 cho hay: “Ngày đó, tiêu chuẩn mỗi người chỉ được vài lạng thịt cho cả tháng, vì thế lúc nào chúng tôi cũng thèm thịt. Việc ăn một miếng thịt là điều xa xỉ với bất cứ đứa trẻ nào bởi bữa cơm hàng ngày chỉ toàn khoai mì, sắn độn, hạt bo bo hoặc ngô răng ngựa - loại ngô ngâm cả đêm, ninh cả ngày vẫn cứng như đá.
Để dành cả tháng được ít tem phiếu thịt ăn Tết, tôi cùng cha đi mua, xếp hàng từ sáng sớm đến chiều tối vào được quầy thì nhận tin hết thịt, đợi vài hôm nữa mới có.
Hai cha con định quay về, thấy tôi buồn bã, thương con, cha tôi vào gặp em vợ làm trưởng phòng thực phẩm “kêu khóc”. Kết quả, hai cha con được đôi chân trâu mang về mà chân trâu thì không thể ăn nổi, chỉ mang đi nấu keo thôi” - ông Vĩ vui vẻ kể lại kỷ niệm đáng nhớ của mình về năm tháng bao cấp.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết thêm, thời bao cấp gia đình ai có người làm ở cửa hàng thực phẩm, lương thực thì quý lắm. Vì mua gì cũng được ưu tiên, để dành cho đồ mới, tươi ngon. Tuy nhiên, ông nói, đây là nỗi khổ không ai thấu của các nhân viên cửa hàng mậu dịch.
Có năm cận Tết, “cháy” hàng thực phẩm, cậu của ông nhiều lần phải tìm cách trốn khỏi nơi làm việc vì sợ người thân đến nhờ vả, không giúp đỡ được lại mang tiếng.
"Thời bao cấp gia đình nào có người làm ở cửa hàng thực phẩm, lương thực thì quý lắm. Vì mua gì cũng được ưu tiên. Tuy nhiên, đây là nỗi khổ không ai thấu của các nhân viên mậu dịch" - ông Hùng Vĩ chia sẻ. Ảnh: Tư liệu
Chen chúc như vậy nên tình trạng mất cắp đồ cũng hay xảy ra. Do sống bằng tem phiếu, những tờ tem phiếu này được ví như vàng, bọc cẩn thận trong chiếc khăn tay, mang đi đổi. Nhiều người cất kỹ trong túi nhưng xếp hàng, quay ra quay vào sờ túi đã thấy tem phiếu không cánh mà bay.
“Tôi nhớ, vào 26 tháng Chạp, không khí mua sắm rất náo nhiệt, tại khu vực quầy bán bánh chưng, có người đàn ông mặc bộ quần áo công nhân màu xanh bạc phếch, đi chiếc xe đạp cũ chở theo cành đào nhỏ. Bác dựng xe bên cột điện, vào bên trong đổi tem phiếu. Hơn tiếng sau, bác hớt hải chạy ra, mặt tái nhợt dáo dác tìm xung quanh.
Vừa tìm bác vừa đưa tay quệt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm. Thấy vậy, vài người hỏi thăm thì biết người công nhân bị trộm rạch túi, lấy hết toàn bộ số tem phiếu thực phẩm. Ngày đó, trên mâm cỗ Tết của mỗi gia đình có được miếng thịt, miếng giò thái mỏng như chiếc lá là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Mất tem phiếu đồng nghĩa với việc các con bác công nhân mất Tết. Trong lúc cùng cực, bác ấy đã bật khóc vì tủi thân" - ông Vĩ chậm rãi nói tiếp.
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề như vậy vì thế ngày Tết được coi là sự kiện trọng đại trong năm. Từ già trẻ, trai gái đều háo hức mong chờ Tết đến để được ăn đồ ngon. Nhiều năm qua đi nhưng đến giờ ông Hùng Vĩ vẫn nhớ như in cảm giác mong đợi Tết khi còn là cậu bé.
"Tết vui nhất là những ngày chuẩn bị mua sắm. Dù phải xếp hàng từ sáng sớm, chen chúc nhau chỉ để mua được hộp mứt thập cẩm, vài lạng đậu xanh gói bánh chưng, vài lạng thịt, miếng bóng bì, ít mì chính, măng khô... Nhưng từng đó thôi cũng đủ khiến mọi người thêm rạo rực, háo hức. Trẻ con thì mong chờ được manh áo mới, được ăn chiếc kẹo đường, bánh quy gai mà cả năm mới được thưởng thức.
Giờ đây, cuộc sống hiện đại, Tết đến nhà nào cũng có “mâm cao cỗ đầy”, vật chất dư thừa, cảm giác sung sướng, mong chờ Tết như vậy cũng mai một dần..." - ông Nguyễn Hùng Vĩ trải lòng.