Thứ tư, 24/04/2024 | 17:37
RSS

“Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận”

Thứ bảy, 06/01/2018, 12:00 (GMT+7)

Mỗi tháng, gia đình chỉ chu cấp cho Đức 500 nghìn đồng hỗ trợ tiền ăn là hết. Để có tiền chạy thận, cậu phải đi đánh giày thuê.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận
Xóm trọ ở đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) không ai không biết tới Nguyễn Như Tuấn Đức (sinh năm 1993, Hòa Bình) là một con người đầy nghị lực

"Đã 7 năm nay, ngoài giờ chạy thận tại Bệnh viện, em đã phải đi đánh giày để kiếm sống. Tết dương lịch mẹ gọi điện thoại lên bảo sao con chưa về, nhưng thương bố mẹ, tiền không có em phải ở lại đây (Bệnh viện Bạch Mai) đi đánh giầy lấy tiền để trang trải cuộc sống…”. Đó là những lời tâm sự đầy xót xa của Nguyễn Như Tuấn Đức (SN 1993) ở Lương Sơn, Hòa Bình với PV Đời sống Plus.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận2
Sau mỗi ca chạy thận, trở về từ Bệnh viện em không nghỉ ngơi mà tiến hành tháo băng cho đỡ vướng víu rồi đi làm luôn

Mang trong người căn bệnh suy thận, đã 7 năm nay phải lên Hà Nội để được chạy chữa nhưng căn bệnh của  Nguyễn Như Tuấn Đức vẫn chưa có tiến triển nhiều. Điều đáng nói, Tết đến gần nhưng em lại không được về quê vì mồng 1 Tết Âm lịch, Đức phải ở lại Bệnh Viện để chạy thận.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận3
Bộ đồ nghề đánh giầy này là do em mua lại của một người quen với giá 350 nghìn, ngày trước em hay vào viện đánh giầy và mấy lần bị bảo vệ tịch thu mất

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của Đức từ nhỏ rất cực khổ, cho đến năm 18 tuổi sau kỳ thi Đại học Đức bị ốm nặng, trong thời gian chữa trị thì phát hiện bị suy thận, căn bệnh ập đến như một dấu hỏi lớn cho gia đình. Tiền đâu mà chữa trị? Giấc mơ học Đại học của em đã mãi mãi tan biến.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận4
Những vết kim đâm đang còn dính máu, nổi cục to như quả ổi, chạy chằng chịt trên cánh tay em, khiến ai chứng kiến cũng đều thương cảm xót xa

Hồi mới xuống Hà Nội để điều trị Đức được bố đưa xuống 3 lần/tuần, nếu đi lại thường xuyên sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều tiền, chính vì thế Đức đã thuê 1 căn phòng dành cho bệnh nhân nghèo ở đường Lê Thanh Nghị đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài thời gian đi chạy thận, Đức đã sắm đồ nghề đi đánh giầy để kiếm tiền lo thuốc thang.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận5
Sắp Tết nhưng em chẳng có bộ quần áo mới, đôi giầy ấm nào

Công việc đánh giầy cũng chẳng được bao nhiêu, mỗi ngày chỉ từ 70-80 ngàn đồng. Kể về những ngày mới đi đánh giầy kiếm tiền, em nói “hồi em mới đi đánh giầy người ta chỉ trả tiền 1 nửa, nhiều khách không trả tiền còn mắng chửi em, họ nói em đánh chưa sạch”.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận6
Những lúc chạy thận xong, cơ thể mệt mỏi, Đức đành nghỉ việc một hôm. Nghỉ việc cũng đồng nghĩa với việc em sẽ nhịn đói​. Đức kể, lần lâu nhất, Đức gần như nhịn đói trong suốt 1 tuần liền, vậy nên, dù sinh năm 1993, nhưng Đức chỉ cao 1m40 và nặng 35kg, nhỏ thó như một học sinh cấp 2. 

Bố mẹ mỗi tháng chỉ xuống thăm em 1 lần và cho 500 nghìn tiền ăn, còn tiền phòng và tiền thuốc thang thì em phải tự lo. Nhiều hôm em vừa ở viện ra định đi làm nhưng thấy mệt nên em nằm ngủ ở phòng suốt cả ngày, đến hôm sau em vẫn mệt nhưng cố đi làm để lấy tiền ăn, tiền thuốc. Làm được nhiều tiền thì mua nhiều thuốc, còn làm được ít thì mua ít đi.

"Em ăn uống thì đơn giản thôi mỗi ngày em chỉ cắm một bát gạo, 10 nghìn tiền thịt với vài cái rau cải nấu với tí gừng là em ăn cả ngày”- Đức kể.

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận7
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Đức tâm sự “Trước đây, khi chưa biết bệnh, em ước có thể học nghề sửa chữa điện tử. Em thích sửa đồ điện, và cũng mong có thể mở gian hàng nhỏ. Nhưng bây giờ bệnh quật ngã em, em chỉ ước mỗi ngày em đánh thêm được nhiều đôi giày cho khách, cứ thế sống qua ngày​

Tết này con không về, đi đánh giầy thuê kiếm tiền chạy thận8
Nói xong câu chuyện Đức lại ôm bộ đồ nghề đi quanh các con phố đánh giầy kiếm tiền trang trải cuộc sống

Nhìn nước da xanh xao vì bệnh tật, vẻ mặt khắc khổ của em và những chia sẻ rất thật tình khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Cho đến bây giờ thì em vẫn cô đơn, em nói “Em bệnh yếu thế này thì ai yêu, với cả gia đình lại khó khăn nữa, chắc em ở vậy cả đời thôi”.

Văn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN