Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:54
RSS

Tết đến xuân về, hàng triệu trái tim người Việt xa quê lại thổn thức

Thứ bảy, 28/01/2017, 08:28 (GMT+7)

Thời khắc những gia đình ở Việt Nam quây quần đón giao thừa, nhiều người Việt ở nước ngoài vẫn phải đi học, đi làm, có những người bận tới nỗi không thể nghe điện thoại của người thân.

Sự kiện:

Công nhân Việt và bữa tất niên xa xứ

Không được đoàn tụ bên gia đình vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, những công nhân xuất khẩu lao động người Việt tại Nhật Bản đang cố gắng quên đi nỗi nhớ nhà bằng cách tổ chức tiệc chào năm cũ, đón năm mới và dành cho nhau những điều tốt đẹp …

Là công nhân xuất khẩu lao động ngành cơ khí ở tỉnh Hiroshima (Nhật Bản), anh Phạm Quân (35 tuổi, quê Hải Dương) cho biết, thời điểm này, ở Việt Nam mọi người đang tất bật chuẩn bị đón chào năm mới. Tuy nhiên, ở Nhật, các công nhân vẫn đi làm như ngày thường.

Mâm cơm tất niên của công nhân Việt ở Nhật. Ảnh: Vietnamnet

“Người Nhật không ăn Tết Âm lịch như người Việt Nam. Vì thế, chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường. Đúng 8 giờ kém 10 phút sáng, chúng tôi phải có mặt ở công ty để chấm công và làm công việc của mình. 5 giờ chiều thậm chí là 7 giờ chiều (nếu làm tăng ca), chúng tôi mới có mặt ở nhà để chuẩn bị bữa cơm tối.

Tại công ty, các công nhân người Việt được xếp chỗ ở như ký túc xá sinh viên ở Việt Nam nhưng số lượng người ở cùng phòng ít hơn. Mỗi phòng có 2, 3 người.

Chúng tôi được công ty bố trí cho một bếp nấu ăn chung. Bình thường, mỗi công nhân đều tự lo bữa ăn cho mình. Tuy nhiên, ngày Tết của Việt Nam, tất cả chúng tôi đều góp thực phẩm để nấu chung và ăn chung” - anh Quân nói.

Du học sinh Việt và phút chạnh lòng: "Ngày Tết, đến một cuộc điện thoại cũng xa xỉ"

Thời khắc giao thừa ở Việt Nam, Nguyễn Thùy Trang, sinh viên Đại học San Jose State, bang California (Mỹ) đang bận rộn ở nơi làm việc. Trang chia sẻ việc học tập và công việc làm thêm từ sáng đến tối khiến Trang không cảm nhận được mình đang sống trong những ngày Tết. Trang và bố ở Mỹ, mẹ vẫn ở Việt Nam. Gia đình xa cách đã 5 năm nên ước mơ lớn nhất của em lúc này là cả nhà được đoàn tụ. Với Trang, có mẹ ở bên là có Tết.

Ở Leipzig (Đức), Nguyễn Thanh Bình đang tất bật chạy bàn cho một quán ăn. Dù chủ là người Việt Nam, nhưng do luật ở đây các quán ăn lớn ở trung tâm thương mại và nhà ga bến tàu phải mở cửa tất cả ngày trong tuần nên Bình vẫn phải đi làm bình thường.

Bình chia sẻ Tết năm nay vào ngày nghỉ nên quán đông, em không có cả thời gian để gọi về cho gia đình. “Không thấy con gọi về nên bố mẹ và bạn bè cũng điện thoại qua hỏi thăm, chúc Tết. Nhưng chỉ được vài câu dạ, vâng, chúc mừng năm mới là lại tắt máy vì khách giục”, Bình cho biết.

Lần đầu đón Tết ở Habana (Cuba), Vũ Hoàng Sơn, sinh viên Học viện Cao cấp Bách khoa José Antonio Echeverría nhớ nhà da diết. Ở đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất, một cú điện thoại về Việt Nam đối với Sơn cũng là xa xỉ.

Hội du học sinh Việt Nam ở Hàn cùng nhau ăn tất niên. Ảnh: VNE

Trước Tết nửa tháng, Nguyễn Thị Bích Ngân, sinh viên khoa tiếng Nhật trường Asahikawa Fukushi Senmon (Nhật Bản) đã muốn bỏ lại mọi công việc để về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, nhưng không thể. Lần đầu phải xa gia đình trong dịp đặc biệt này, Ngân không giấu được cảm giác “tủi thân phát khóc”.

“Mọi năm, em vẫn được cùng bố mẹ gói bánh chưng, đi sắm lì xì, đèn lồng để trang trí nhà cửa. Năm nay không được làm vậy nên cứ phải điện về hỏi xem bố mẹ ở nhà chuẩn bị thế nào. Nghe giọng bố mẹ là muốn bay về nhà ngay lập tức”, cô gái Phú Thọ chia sẻ.

Nỗi lòng Việt kiều xa xứ

Cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, kiều bào khắp nơi trên thế giới đều mong mỏi trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Theo ông Peter Hồng, hầu hết kiều bào đều mong muốn về quê dịp Tết để đón giao thừa trên đất mẹ, được thắp cây nhang cho ông bà, tổ tiên.

“Bên Úc, tôi vẫn có bàn thờ nhưng bàn thờ tổ tiên ở Việt Nam thì thiêng liêng và ấm cúng vô cùng, cảm giác ngồi chờ giao thừa thật hạnh phúc. Ở nước ngoài vẫn có giao thừa nhưng giao thừa ở Việt Nam rất đặc biệt vì là nơi chôn nhau cắt rốn. Cảm giác tự hào lâng lâng rất khó tả” - ông Peter Hồng thổ lộ.

Trang trí nhân dịp năm mới Đinh Dậu ở Úc. Ảnh: Internet

“Ngoài chuyện về quê hương đón giao thừa thì kiều bào còn có dịp đến mồ mả ông bà, tổ tiên để nhổ cỏ, dọn dẹp, quét vôi, đặt bình hoa, thắp cây nhang... Chừng đó thôi đã ấm cúng rồi!

Đây là truyền thống, là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, là hành động đền ơn, đáp nghĩa với tổ tiên, ông bà và đấng sinh thành. Việc này nằm trong máu của người Việt. Người nào không làm được là bứt rứt cả năm” - ông John Nguyễn, Việt kiều Mỹ, hồi tưởng.

Không chỉ kỳ vọng những cái Tết sum vầy, nhiều kiều bào càng về già càng mong muốn trở về quê hương sống đến cuối đời. Ông Perte Hồng cho biết: “Nhiều kiều bào lớn tuổi thường tâm sự là họ mong muốn khi mất được chôn cất tại Việt Nam.

Họ muốn nằm trên đất mẹ để con cháu thường xuyên về Việt Nam và cứ như thế, những thế hệ sau này cũng luôn nhớ Việt Nam và về Việt Nam”.

Người Việt Nam đón Tết tại Australia. Nguồn: VTVNEWS TA

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus