Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải (Ảnh: I.T)
Chiều 22.10, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Dầu thô, đất đai giúp ngân sách tránh hụt thu 54.500 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Đức Hải, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP, thấp hơn mục tiêu 21% GDP đề ra; Nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; Kết quả thu NSNN vượt dự toán là nhờ tăng thu từ dầu thô, từ đất và thu từ lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, còn thực chất, thu từ các khu vực kinh tế hụt dự toán khá lớn.
Cụ thể, các khoản thu từ đất ước vượt dự toán 38.700 tỷ đồng; thu từ dầu thô ước vượt dự toán 19.100 tỷ đồng; thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN; tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ước vượt dự toán 7.000 tỷ đồng. Nếu không tính các khoản thu trên, thực chất, thu nội địa hụt dự toán 35.600 tỷ đồng, tổng thu NSNN hụt dự toán là 54.500 tỷ đồng.
Đối với các địa phương, thu NSĐP về tổng thể vượt dự toán, nhưng chủ yếu tăng thu từ đất; nếu loại trừ thu từ đất thì một số địa phương dự ước sẽ bị hụt thu. Vì vậy, kết quả thu NSNN năm 2018 cho thấy, nguồn thu của NSNN chưa chắc chắn và bền vững, chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được nêu từ những năm trước.
Thu nội địa ước vượt 0,9%, tương ứng 10.100 tỷ đồng so với dự toán, tăng 7,5% so với thực hiện năm 2017 nhưng số thu từ các khu vực doanh nghiệp đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực DNNN giảm 4.900 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 33.640 tỷ đồng (tương đương 15,1%); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 4.850 tỷ đồng so với dự toán.
Ủy ban TCNS nhận thấy, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 là có nhiều thuận lợi, nhưng kết quả thu NSNN từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt được kết quả tương xứng. Theo Báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do số thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp lớn như: liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất bia, thuốc lá, chế biến gỗ xuất khẩu…đạt thấp; nhiều doanh nghiệp FDI đang trong thời gian được miễn, giảm thuế… đã tác động lớn đến thu, nộp NSNN. Song một nguyên nhân quan trọng là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017.
Nợ công tăng gần 300.000 tỷ đồng
Về Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ước tính dư nợ công năm 2018 là 61,4%GDP, nợ nước ngoài là 49,7%GDP, trong phạm vi cho phép. Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7%GDP, năm 2017 là 61,4%), tỷ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỷ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2.590 nghìn tỷ đồng, ước năm 2018 là 2.892 nghìn tỷ đồng.
Số vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150,7 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 157,13 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 201,21 nghìn tỷ đồng.
Bình quân mỗi người Việt Nam có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công trong năm nay, tăng khoảng 3,12 triệu đồng mỗi người so với năm 2017. (Ảnh minh họa)
Như vậy, bình quân mỗi người Việt Nam có thể "cõng" hơn 34 triệu đồng nợ công trong năm nay, tăng khoảng 3,12 triệu đồng mỗi người so với năm 2017.
Không bố trí kinh phí mua xe công, giảm chi hội nghị, hội thảo
Với dự toán chi ngân sách của 2019, Uỷ ban thẩm tra nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành.
Liên quan đến chi thường xuyên, ông Hải cho biết một số ý kiến cho rằng, việc bố trí tăng lương cơ sở cao hơn so với các năm gần đây sẽ tạo áp lực và khó khăn hơn để giảm chi thường xuyên theo các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi ngân sách; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, báo cáo thẩm ra nêu rõ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí đầy đủ chi trả nợ lãi theo đúng cam kết đến hạn phải trả, bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường quốc tế; tiếp tục cơ cấu lại hiệu quả hơn các khoản vay cả về kỳ hạn và lãi suất để giảm áp lực trả nợ gốc, giảm chi trả nợ lãi trong các năm tiếp theo, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Xem thêm:
Lời kể nhân chứng vụ nữ tài xế xe BMW tông nhiều người thương vong