Tạm dừng phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm. Ảnh Vnexpress
Sáng 28/1, phiên sơ thẩm xét xử ông Trịnh Xuân Thanh cùng 7 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty bất động sản Điện lực Dầu khí (PVP Land) tiếp tục với phần tranh luận.
Theo dự kiến, VKS sẽ đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư. Tuy nhiên, sau ít phút, công tố viên không đi vào đối đáp mà đề nghị HĐXX dừng phiên tòa để xác minh về phần trách nhiệm dân sự của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là công ty Vietsan. Hội ý khoảng 5 phút, HĐXX quyết định dừng phiên tòa trong bốn ngày để xác minh, Vnexpress đưa tin.
Trong những ngày xét xử vừa qua, HĐXX tập trung thẩm vấn làm rõ cáo buộc ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) cùng các đồng phạm Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng), Thái Kiều Hương (cựu phó tổng giám đốc công ty Vietsan)… đã chỉ đạo, bàn bạc để cho các lãnh đạo PVP Land và các cổ đông công ty Xuyên Thái Bình Dương chuyển nhượng cổ phần của PVP Land giá rẻ, lấy tiền chênh lệch chia nhau chiếm hưởng. Trong số tiền 49 tỷ đồng các bị cáo bị quy buộc tham ô, ông Thanh hưởng 14 tỷ, ông Thắng 5 tỷ.
Việc đưa 19 tỉ đồng này nhằm để Thắng tác động đến Trịnh Xuân Thanh, Thanh quyết định hạ thấp giá cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza mà Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC, do Thanh làm Chủ tịch HĐQT) có cổ phần. Các bị cáo hưởng tiền chênh lệch này, báo Tuổi trẻ đưa tin.
Theo lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng thì sau khi vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị khởi tố (Lê Hòa Bình lừa đảo), Thái Kiều Hương đã yêu cầu Đinh Mạnh Thắng hoàn trả lại đủ cả 19 tỉ. Thắng đã nói với Trịnh Xuân Thanh để Thanh trả 19 tỉ đồng này cho Thái Kiều Hương.
Sau đó, số tiền 19 tỉ đồng được nhân viên công ty Vietsan chuyển vào tài khoản của công ty Vietsan tại một ngân hàng Hàn Quốc có chi nhánh tại Việt Nam.
Cũng theo lời khai của Hương và bị cáo Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT công ty Minh Ngân, bên mua cổ phần), thì sau khi thu hồi, số tiền 19 tỉ đồng này được Lê Hòa Bình cấn trừ vào tiền mua cổ phần (dự án Nam Đàn Plaza) của công ty Minh Ngân với Vietsan.
Sau đó, do yêu cầu của cơ quan điều tra, công ty Vietsan đã chuyển 93 tỉ đồng (dư 2 tỉ đồng, vì toàn bộ số tiền mua cổ phần của Vietsan tại Nam Đàn Plaza chỉ có 91 tỉ đồng), do đó Vietsan đề nghị HĐXX tuyên hoàn trả cho Vietsan 2 tỉ đồng còn dư này.
Đồng thời, Vietsan cũng khẳng định, số tiền 19 tỉ đồng được xác định là tang vật vụ án cũng đã được hoàn trả trong số tiền 93 tỉ đồng kia, do đó, đề nghị HĐXX xem xét về phần trách nhiệm dân sự của Vietsan.
Sau phần kiến nghị của đại diện VKS, HĐXX đã hội ý chừng chục phút rồi ra thông báo: Căn cứ vào quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 HĐXX sẽ tạm ngừng phiên tòa để xác minh theo ý kiến kiến nghị của đại diện VKS. Do đó, phiên tòa sẽ được mở lại vào lúc 8h sáng ngày 2/2.
Theo hồ sơ, cuối năm 2009, đầu năm 2010 PVN có chủ trương sáp nhập các công ty bất động sản vào PVC (Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT) trong đó có PVPLand (Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí). PVPLand chiếm 50,5% vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.
Ngày 27/3/2010 công ty Cổ phần Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (gồm 5 cổ đông sáng lập) đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5) với giá 20.700đồng/cổ phần (tương đương 52 triệu đồng/mét vuông đất) dự án Nam Đàn Plaza, nằm trên đường Phạm Hùng, Thành phố Hà Nội
Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của công ty Xuyên Thái Bình Dương: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với công ty TNHH Nam Hà Thành; Công ty cổ phần bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Công ty cổ phần đầu tư Vietsan và ông Nguyễn Minh Quý.. Những cá nhân, tổ chức này đều được ký hợp đồng theo giá như thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc.
Riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land do Nguyễn Ngọc Sinh (Tổng giám đốc) ký thì chỉ chuyển nhượng với giá 12.120 đồng/một cổ phần (tương đương 34 triệu đồng một mét vuông đất). Toàn bộ số cổ phần của PVP Land bán được tại dự án theo hợp đồng này là 191 tỉ đồng.
Như vậy, giá bán so với giá đã thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng giảm xuống 87 tỉ đồng.
Kết quả điều tra về việc ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị đã xác định được các bị cáo Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà), Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietsan),
Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh (Nguyên Tổng giám đốc PVP Land), Đặng Sỹ Hùng (đã mất), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) đã có sự móc nối chỉ đạo thông đồng với các bị cáo là Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT) và Nguyễn Thị Kim Thoa (kế toán) của Công ty cổ phần đầu tư Minh Ngân để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị đặt cọc để lấy tiền chênh lệch chia nhau chiếm đoạt.
Trong đó Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng 5 tỉ đồng, Đào Duy Phong 8 tỉ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỉ đồng, Đặng Sỹ Hùng 20 tỉ đồng. Tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỉ đồng trong tổng số 87 tỉ đồng.