Thứ tư, 17/04/2024 | 03:07
RSS

Tâm dịch Bắc Ninh: Có một người mẹ thất hứa với con trong ngày sinh nhật

Thứ ba, 25/05/2021, 09:45 (GMT+7)

Cô con gái lớn Minh Ngọc (5 tuổi) thường ngày rất tự lập, biết giúp mẹ trông em nhưng hôm nay cũng lã chã nước mắt bảo "sắp đến sinh nhật con rồi mẹ còn đi".

Sự kiện:
Covid-19

Ngày 5/5, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành phát hiện ca mắc covid-19 đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Ngay trong đêm, chị Nguyễn Thị Chiền (điều dưỡng của Trạm Y tế xã Hoài Thượng) được Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành điều động đi tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Phơi vội chậu quần áo mới giặt, chị vào nhà chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết. Quốc Cường (4 tuổi) ôm chân mẹ khóc đòi "mẹ ở nhà với con" còn cô con gái lớn Minh Ngọc (5 tuổi) thường ngày rất tự lập, biết giúp mẹ trông em nhưng hôm nay cũng lã chã nước mắt bảo "sắp đến sinh nhật con rồi mẹ còn đi".

Sau khi dặn dò hai con chuyện ăn uống, học hành, chị ngồi bệt xuống đất, nắm tay chồng thủ thỉ: "Anh ở nhà tự biết chăm lo cho bản thân. Em sẽ gửi tiền nhờ mợ thỉnh thoảng mua thức ăn mang đến cho anh. Giờ em đưa con sang gửi bà nội, nhờ bà từ mai đưa các cháu đi học. Chuyến này chắc em phải đi dài ngày anh ạ…".


Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của chị Nguyễn Thị Chiền (ngoài cùng bên trái) và động nghiệp tại tâm dịch huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Chồng chị Chiền, ánh mắt nhoè đi vì thương vợ. Từ một người đàn ông khoẻ mạnh, sau lần bị điện giật, anh mất một bên chân, teo một cánh tay và không còn khả năng lao động. Số tiền lương 4,7 triệu đồng và 300 nghìn tiền trực hàng tháng của chị Chiền giờ đây phải chia nhỏ từng phần sao đủ chi tiêu cho 4 miệng ăn, trong khi 2 con đang tuổi đến trường. Đến cái nhà vợ chồng anh chị và các con đang ở cũng là đi mượn của một người thân trong dòng họ.

Một tay bế Quốc Cường, một tay dắt Minh Ngọc, chị Chiền lầm lũi bước đi trong đêm. Giá mẹ chị không mất sớm, thì trong tình cảnh như thế này chị có thể gửi bà chăm nom. Cực chẳng đã, chị phải cầu cứu bà nội. Bà năm nay cũng ngoài 70 tuổi, chồng đã qua đời và đang ở tạm ngôi nhà cũ của bưu điện.

Những ngày tiếp theo, chị Chiền bước vào guồng quay công việc, làm từ sáng đến khuya, mỗi ngày chỉ chợp mắt được vài giờ đồng hồ. Không chỉ làm những công việc chuyên môn, chị cùng các y bác sĩ ở tâm dịch còn làm đủ thứ việc, kể cả khuân vác đồ.


Mệt nhọc, vất vả nhưng các y, bác sĩ vẫn luôn quyết tâm chiến thắng dịch bệnh để được đoàn viên.

Có những ngày, nhóm của chị xuất phát từ sáng sớm vào các điểm dịch, đến chiều mới được ăn cơm, vừa ăn xong lại vội vàng mặc quần áo bảo hộ để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Làm việc đến 2-3h sáng, thậm chí xuyên đêm, có lúc mệt không muốn ăn uống gì, mọi người chỉ uống sữa hoặc oresol bù nước.

Rồi có hôm mới bắt đầu ngồi vào bàn ăn, có báo động, chị lại đứng dậy đi làm ngay. Dọc đường, mọi người hỏi chuyện, chị chẳng thể nhớ mình đã ăn cơm chưa nữa. Mệt mỏi là vậy, căng thẳng là vậy nhưng lúc nào chị cũng tự nhủ phải cố gắng. Bởi sau lưng chị còn cả một gia đình chờ người phụ nữ ấy lo toan, gánh vác.

Nhiều đêm xong việc cũng đã sang ngày mới, chị muốn gọi điện về nhà nhưng đành bấm bụng vì giờ này các con ngủ rồi. Hôm trước Quốc Cường bị ốm, khóc đòi mẹ nhưng chị không biết phải làm thế nào. Khó khăn nhất với chị là trả lời câu hỏi "sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về?"…


Mỗi khi có ca mắc COVID-19 mới, kể cả lúc nửa đêm, chị Chiền cùng đồng nghiệp lại đi từng địa bàn làm công tác truy vết.

Ngày 14/5 là sinh nhật của Minh Ngọc. Trước dịch, chị Chiền đã hứa sẽ tặng cho cháu búp bê công chúa Elsa mà cô bé ước mơ mãi. Nhưng vì nhiệm vụ, vì sứ mệnh của ngành y tế trong đại dịch, chị đành phải thất hứa với con.

Sáng 24/5, những ca bệnh đầu tiên của huyện Thuận Thành được công bố khỏi bệnh và xuất viện, chị Chiền mừng lắm. Chị nhẩm tính một cách đầy lạc quan rằng, rất có thể chỉ ít ngày nữa dịch bệnh được khống chế, chị được bớt việc, có thời gian chọn quà gửi về tặng 2 con nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6. Rồi ánh mắt chị long lanh khi nghĩ đến một bữa cơm sum vầy đầm ấm bên gia đình. Sau đó, chị sẽ ôm chồng con ngủ một giấc đã đời, xua tan bao mệt nhọc.

18h chiều cùng ngày, sau khi vừa đi lấy mẫu xét nghiệm ở xã Mão Điền về, chị nhận được thông báo khẩn của cấp trên rằng: Huyện Thuận Thành có thêm mấy chục ca mắc mới, mọi người phải khẩn trương lên đường ngay.


Mong ước lớn nhất của chị Chiền là dịch bệnh nhanh chóng qua đi để được về với gia đình, được ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ...

Chị lặng người, môi mấp máy nói không thành tiếng. Khuôn mặt ấy nhợt nhạt có lẽ do dư âm của trận say nắng ban trưa. Toàn người chị ướt đẫm mồ hôi sau khi bỏ bộ đồ bảo hộ kín mít còn hai bàn tay phồng rộp, nhăn nheo do đeo gang tay cả ngày. Vẫn như mọi lần, chị không than thở một lời và là người đầu tiên lên xe đến điểm dịch. 

Trên đường đi, mọi người không thấy chị khóc, nhưng cảm giác có vị mặn chát trên môi…

Trao đổi với PV Báo Gia đình & xã hội BS Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành cho biết: "Chiều tối 24/5, sau khi nhận thông tin thêm nhiều ca mắc mới trên địa bàn, chúng tôi vừa họp vừa tranh thủ cho mọi người ăn nhanh để mọi người có sức làm việc ban đêm. Mấy hôm nay cao điểm nắng nóng, mọi người ai cũng mệt, thậm chí lả đi, kiệt sức. Anh chị em chỉ biết động viên nhau kiên trì, cố gắng, sớm chiến thắng bệnh tật để được đoàn viên".

 

Cao Tuân
Theo Giadinh.net