Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:10
RSS

Tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp, Bộ GTVT đề nghị xóa lối đi tự mở

Thứ năm, 14/03/2024, 17:21 (GMT+7)

Trước tình trạng các vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong thời gian gần đây, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh có đường sắt đi qua xóa lối đi tự mở để đảm bảo an toàn.

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp, đặc biệt là tại các đoạn đường có lối đi tự mở. Mới nhất là vào ngày 11/3, một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại đoạn qua xã Nghi Long (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) khiến đầu kéo tàu hỏa biến dạng, xe đầu kéo hư hỏng nặng, may mắn không có thương vong về người. Đoạn tai nạn là lối đi tự mở làm trật bánh 1 trục số 4 toa xe BV 81303 (toa xe thứ 2 trong thành phần), đầu máy bị hư hỏng.

Tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp, Bộ GTVT đề nghị xóa lối đi tự mở

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Nghệ An vào ngày 11/3/2024. Ảnh: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Hay trước đó gần 1 tuần (vào rạng sáng 7/3), tàu hỏa mang số hiệu H2114 kéo theo 24 tòa hàng di chuyển trên đường sắt Hải Phòng – Hà Nội, khi đến nút giao với đường dân sinh tại km87+400, thuộc địa phận xã An Hưng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) xảy ra va chạm với xe tải mang BKS 29H-805.xx khiến xe tải gãy đôi trên đường ray. Rất may, tài xế xe tải chỉ bị thương nhẹ.

Cũng trong đầu tháng 3, một vụ tai nạn đường sắt giữa tàu hỏa HP1 đầu tàu số hiệu 925 kéo theo 18 toa chở khách đã xảy ra tại lối đi tự mở Km 94+570 địa bàn phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Trưởng tàu là Cao Tô Ng., lái tàu Lê Đỗ Q. điều khiển tàu đi theo hướng Hà Nội - Hải Phòng đến địa điểm trên đã va chạm với xe máy BKS 15K1-487.2X do ông Phạm Văn M. (sinh năm 1953, trú huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) điều khiển, đi theo hướng từ đường Hùng Vương sang quốc lộ 5 mới. Cú va chạm đã khiến ông M. tử vong tại chỗ.

Trước thực trạng trên, Bộ giao thông vận tải đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề nghị triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách dọc theo đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.

Bên cạnh đó, các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính bố trí từ ngân sách trung ương để triển khai thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí nhân lực cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, thu hẹp chiều rộng, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo trong thời gian chờ xóa bỏ.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại