Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:41
RSS

Sự tồn tại đáng kinh ngạc của vi rút Adenovirus

Thứ tư, 12/10/2022, 08:47 (GMT+7)

Virus Adeno có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống ở nhiệt độ phòng. Trong điều kiện 40 độ C, virus có thể sống trong nhiều tháng.


Adenovirus có thể bị tiêu diệt nhanh chóng bởi tia cực tím hoặc trong môi trường nước sôi 1.000 độ C.

Thậm chí, với điều kiện -200 độ C, thời gian sống của virus Adeno có thể tính bằng năm.

Nhân lên sau 30 giờ xâm nhập cơ thể

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, đơn vị này ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó có 9 ca tử vong. Từ giữa tháng 9 đến nay, ca mắc Adenovirus có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần. Tuần từ ngày 12 - 18/9 chỉ ghi nhận 168 ca. Tuần từ 26/9 - 2/10 ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi từ 1 - 3.

Đa số bệnh diễn biến nhẹ và tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có các biến chứng nặng như: Viêm phổi, viêm gan, tổn thương đa cơ quan. Yếu tố nguy cơ bệnh nặng thường xuất hiện trên những trẻ có bệnh mãn tính, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, ung thư sau ghép tạng, béo phì…

TS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, sức sống của loại virus này khá tốt. Chúng có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống trong nhiệt độ phòng. Trong điều kiện 40 độ C, virus có thể sống trong nhiều tháng.

Thậm chí, với điều kiện -200 độ C, thời gian sống của virus Adeno có thể tính bằng năm. Virus có thể nhân lên sau khoảng 30 giờ xâm nhập vào cơ thể người. Tuy nhiên, ở nhiệt độ 56 độ C, chúng có thể mất độc lực và bị tiêu diệt trong khoảng từ 3 - 5 phút. Cũng theo chuyên gia này, thời gian tồn tại lâu trong môi trường cùng với khả năng nhân lên cao khiến virus càng dễ dàng lây lan trong cộng đồng.

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, Adenovirus có chứa DNA chuỗi kép, không có vỏ bọc bên ngoài, hình đa giác đều và đường kính từ 70 - 80 mm. Ở nhiệt độ phòng, loại virus này có thể tồn tại và gây bệnh trong vòng 30 ngày.

Mặc dù có thể tồn tại ở 200 độ C, tuy nhiên, loại virus này có thể bị tiêu diệt nhanh chóng bởi tia cực tím hay trong môi trường nước sôi 1.000 độ C. Song, axeton hay ete lại không thể tiêu diệt được chúng.

Người từng mắc vẫn có thể nhiễm bệnh

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, như với các ca bệnh do virus khác, ca mắc Adenovirus được điều trị triệu chứng. Trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện về xét nghiệm, thuốc cũng như kinh nghiệm điều trị. Các bệnh nhi nhiễm Adenovirus tử vong ghi nhận gần đây đều là các trường hợp có bệnh nền. Để phòng bệnh lây lan bảo vệ sức khỏe trẻ em, cộng đồng, các địa phương cần có truyền thông hướng dẫn người dân về biện pháp phòng chống, cũng như triệu chứng cần đến cơ sở y tế.

Trong bối cảnh số ca mắc tăng, nhiều người đã băn khoăn về việc, liệu bệnh nhân từng nhiễm Adenovirus rồi có thể mắc lại không? Thậm chí, nhiều người cho rằng, bệnh chỉ xảy ra ở trẻ em. Chia sẻ về vấn đề này, TS Đặng Thị Thuý cho biết, người từng mắc Adenovius vẫn có thể nhiễm bệnh.

Lý do là vì Adenovirus có nhiều type khác nhau. Những loại này gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. “Không có miễn dịch chéo giữa các type nên có thể nhiễm nhiều lần. Virus có thể gây bệnh ở mọi nhóm và lứa tuổi. Trong đó, các nhóm trẻ em, người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính thường có nguy cơ cao hơn”, TS Thuý giải thích.

TS Đặng Thị Thuý lưu ý, kháng sinh không có tác dụng với virus Adeno. Do đó, chỉ dùng kháng sinh khi có bằng chứng của nhiễm vi khuẩn. Để phân biệt được giữa sốt do vi khuẩn và virus Adeno, trẻ cần phải được thăm khám cẩn thận bởi các chuyên gia và làm xét nghiệm để đánh giá.

Tới nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng virus Adeno. Do đó, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là: Rửa tay, khử khuẩn thường xuyên; Cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch; Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết; Người lớn khi bị cảm nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để tránh lây bệnh sang trẻ.

Vân Huyền
Theo Giáo dục & Thời đại