Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:07
RSS

Sự thật về đàn lợn dịch không được chôn lấp, bò lổm nhổm dưới hố nước ở Nam Định

Thứ tư, 08/05/2019, 15:47 (GMT+7)

Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã lên tiếng về thông tin nhiều con lợn bị bệnh được "ném" xuống hố nhưng không chôn lấp kỹ càng khiến mùi hôi thối bốc lên gây ô nhiễm môi trường.

 

Nam Định: Sự thật về đàn lợn dịch đổ xuống hố nước gây ảnh hưởng đến người dân
Hình ảnh lợn dịch bò lổm nhổm dưới hố nước ở Nam Định được đăng tải trên MXH.

Mới đây, trên MXH xuất hiện thông tin một đàn lợn mắc dịch bệnh đã được đổ xuống hố nước ở xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Người chia sẻ hình ảnh cho rằng, cơ quan chức năng đã xử lý đàn lợn mắc bệnh không đúng quy trình. Nhiều con lợn còn sống lổm nhổm chạy lên bờ, những con chết thì bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Những thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt. Rất nhiều ý kiến chỉ trích chính quyền sở tại được đưa ra. Tuy nhiên, chiều ngày 8/5, trao đổi với PV, ông Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng cho biết, những thông tin trên mạng xã hội đăng tải hoàn toàn sai sự thật.

Theo ông Điệp, ngày 5/5, cơ quan chức năng phát hiện đàn lợn bị mắc dịch tả châu Phi trên địa bàn xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định) nên đã tiến hành đào hố để tiêu hủy đàn lợn này. Khi vừa đào hố xong thì trời đổ cơn mưa lớn nên hố chôn đã bị nước tràn vào.

Ông Điệp cho biết thêm, số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi ở xã Nghĩa Lạc khoảng 5 tấn, lực lượng chức năng phải mất 3 chuyến xe để chở hết đàn lợn này ra địa điểm tiêu hủy, khi xe đầu tiên chở lợn đến đổ xuống hố, thì bất ngờ một số con còn sống đã bò lên bờ.

"Trước khi chở lợn đến, chúng tôi đã tiến hành giật điện cho lợn chết rồi mới đổ xuống hố, nhưng khi vừa đổ đàn lợn xuống chưa kịp lấp thì một số con gặp nước đã hồi lại và bò lên bờ. Cùng lúc đó một số người đã nhìn thấy và quay clip chụp ảnh tung lên mạng xã hội với nội dung sai lệch khiến nhiều người bức xúc", ông Điệp chia sẻ.

Cũng theo ông Điệp, số lợn còn sống chạy lên bờ cũng đã được bắt lại và tiêu hủy hết. Khi được hỏi về địa điểm chôn lợn dịch có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hay không? Ông Điệp cho biết: “Ở xã Nghĩa Lạc không còn địa điểm nào tốt hơn để tiêu hủy lợn dịch”. Cũng theo ông Điệp, từ đầu năm 2019 đến nay lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy khoảng 60 tấn lợn mắc dịch tả châu Phi tại địa bàn xã Nghĩa Lạc.

Trao đổi với PV, ông Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng bức xúc nói: “Sáng nay, đích thân tôi đã xuống hiện trường để kiểm tra và những hình ảnh đăng tải trên MXH hoàn toàn không đúng sự thật. Hiện tôi đã giao cho công an điều tra xem ai là người đã đăng tải thông tin sai sự thật này lên mạng xã hội để xử lý”.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN