Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:52
RSS

Sống sót qua 8 trận chiến ung thư, người phụ nữ này đã rút ra 5 bài học đắt giá mà ai cũng nên đọc

Thứ sáu, 23/06/2017, 15:20 (GMT+7)

Câu chuyện của bà Anna Renault giúp những người đang chống chọi với căn bệnh ung thư tìm được chút hy vọng trong hành trình gian khổ của mình.

Ung thư thường đi kèm với án tử trên đầu; chúng ta sống với niềm nơm nớp lo sợ một ngày kia, cuộc sống ngắn ngủi sẽ bị căn bệnh tử thần kia cướp mất. Tuy nhiên, chắc hẳn chưa có ai từng chiến đấu ngoan cường như bà Anna Renault, người đã chống chọi với 8 căn bệnh ung thư kể từ năm 1977.

Ngần đó thời gian là bao lần, bà Anna tưởng chừng như mình không qua khỏi: những cơn đột quỵ, những lần đau đớn tột cùng và bao lần nước mắt rơi trên giường bệnh. Nhưng nhờ có niềm tin, bà đã vượt qua tất cả. Bà từ bỏ công việc của mình tại phòng giáo dục bang Maryland, Mỹ. Trong thời gian điều trị bệnh, bà Anna cũng tham gia tình nguyện tại thư viện công hạt Baltimore và làm giáo viên trợ giảng tại một vài trường công. Thời gian rảnh, bà cũng hay viết báo và viết sách. Và chắc chắn, những trang viết của người phụ nữ này không thể thiếu câu chuyện về cuộc đời mình.

"Trong vòng hơn 40 năm, tôi tin rằng mình là một trong số ít người phải đương đầu với ung thư nhiều nhất lịch sử. Không phải một lần chiến đấu hay 2 lần; 8 lần tổng cộng. Và may mắn thay, tôi đã vượt qua tất cả. Đó là một trận chiến dài và tôi là người sống sót. Các bác sĩ đã chăm sóc hết sức tận tình trong suốt thời gian dài đằng đẵng. Và trên hành trình ấy, tôi đã học cho mình được nhiều điều.

8 lần chống chọi với căn bệnh ung thư là ngần đó lần, tôi cảm nhận cái chết đang ngấp nghé bên đời mình. Nhưng tôi vẫn kiên cường vượt qua, từng trận một. Khi bạn sống một cuộc đời như của tôi, những gì bạn học được hôm nay sẽ giúp bạn tới ngày mai tươi sáng hơn. Đi qua những thương đau, tôi biết mình đã học được nhiều điều, chứ không chỉ có mất mát. Qua 8 lần chống chọi với căn bệnh ung thư, tôi đã trở thành chiến binh ngoan cường không gì khuất phục".

Bài học 1: Hiểu lịch sử gia đình 

Ở tuổi 27 đầy trẻ trung và vui tươi, bạn chẳng bao giờ hy vọng bác sĩ phụ khoa sẽ nói với bạn rằng: "Này cô, kết quả dương tính, cô bị ung thư đấy". Tim tôi muốn nhảy tràn ra ngoài họng. Nỗi sợ hãi dâng ngập cơ thể vì bạn không thể thở và hệ thống thần kinh dường như cũng hoạt động không bình thường. Tôi cảm giác phải chới với lắm mới thở được. Rồi bất chợt, một suy nghĩ xuất hiện trong đầu: "Bà ngoại cũng được chẩn đoán khi còn trẻ rồi qua đời vài tháng sau đó. Thực ra lúc đó bà không trẻ như mình, nhưng liệu mình có chết sớm không?".

Đó là lần đầu tiên, tôi biết đến ung thư. Sau khi hít thở thật sau, tôi thấy mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và tôi hỏi bác sĩ: "Gì cơ, ông nói gì cơ". Khi bác sĩ nói về việc tôi bị ung thư lần thứ hai, mọi thứ cũng chẳng đỡ hơn gì cả. Nhưng ít nhất, tôi đã thở và nghĩ được.

Tôi cố gắng không hoảng loạn. Thực sự khó để thuyết phục bản thân rằng chắc chắn tôi không bị lây ung thư từ bà trong thời gian chăm sóc bà khi tôi mới 11 tuổi. Tôi "không bị lây đâu".

Tuy nhiên, có thể là không bị lây, nhưng đó có thể là căn bệnh di truyền, từ bà, sang mẹ, và giờ qua tôi. Hiểu về gia đình không giúp tôi thay đổi thực tế, nhưng nó giúp mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Và nó cũng giúp tôi có thêm nghị lực để chiến đấu. 16 năm trước, bà tôi không được có nhiều thuốc như bây giờ. 

Bài học 2: Hiểu nhiều hơn về bệnh tình của bản thân

Tôi cảm thấy có nghị lực để chiến đấu khi nghe về câu chuyện của bà ngoại. Đầu tiên, tôi muốn biết: căn bệnh ung thư của tôi thực sự là gì? Liệu thông tin đó đã đủ để giúp tôi vượt qua thời khắc khó khăn của cuộc đời này chưa?

Tôi gọi cho từng thành viên trong gia đình để hỏi về bệnh tình của bà tôi trước đây cũng như cách thức điều trị. Chưa thỏa mãn, tôi đến thư viện và các trung tâm học liệu của bệnh viện để đọc thêm thông tin. Dĩ nhiên, nó đáng sợ lắm, nhưng tôi cũng hiểu ra thêm nhiều vấn đề. Trong thời đại Internet như bây giờ, việc tìm kiếm thông tin không phải điều quá khó khăn.

Hãy chắc chắn bạn đã tham khảo đội ngũ bác sĩ của mình. Trong trường hợp của tôi, vị bác sĩ chịu trách nhiệm chính rất giàu kiến thức. Ông giải thích cho tôi những thuật ngữ kỹ thuật mà tôi không hiểu. Ông cũng nhấn mạnh rằng tôi có thể qua khỏi nếu thực sự có niềm tin. 

Bài học ba: Đánh giá tất cả khả năng và lựa chọn những điều phù hợp với bạn 

Sau khi nói chuyện với bác sĩ gia đình và chuyên gia, tôi chuyển tới phương án hai. Tôi lên danh sách các phương pháp y tế khả dụng trong thành phố. Tôi hỏi xem những phương án nào thì hợp với khả năng tài chính và bảo hiểm của mình. Liệu tôi có thể trả tiền để điều trị không? Liệu có nên cắt cả nội tạng không hay chỉ phần u thôi? Liệu có phương pháp nào sẽ cứu mạng tôi? Phương pháp này có thể đem lại kết quả tốt hơn sau phẫu thuật... hàng tỷ câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi lúc đó.

Cũng may, bảo hiểm mà tôi chi trả có thể hỗ trợ việc phẫu thuật mà tôi cần. Vì tuổi tác, nhiều lần tôi đã được cảnh báo rằng việc phẫu thuật không phù hợp với tôi (vì tôi quá trẻ). Hội đồng y khoa cũng nói rằng tôi nên chỉ cắt bỏ khối u thôi, trong khi tôi muốn cắt cả tử cung. 

Xem xét mọi phương án cẩn thận và chọn phương án tốt nhất là hết sức quan trọng. Tôi luôn sẵn sàng cho cuộc chiến này. Tôi liên lạc với bác sĩ gia đình lần nữa. Tôi thay đổi chuyên gia vì tôi cần một người ủng hộ quyết định của mình. Tôi nhận được thư giới thiệu, tôi yêu cầu phương pháp chữa trị có thể cứu tôi và giúp tôi sống sót...

Bài học bốn: Hãy nhớ những bài học đã học được

Những bài học đầu tiên, tôi học được trong trận chiến đầu tiên với bệnh ung thư tử cung. Những bài học này lại càng ý nghĩa hơn khi tôi được chẩn đoán mắc vài bệnh ung thư khác. Và đúng như vậy, qua mỗi lần, tôi lại có thêm bài học mới; đó là lý do tôi luôn ghi lại mọi thứ mình học được xuyên suốt hành trình chiến đấu. Nó đã giúp tôi nhớ lại điều mình đã học được và làm sao để có thể đương đầu với bệnh tật một cách hiệu quả. 

Và trên hết, nó đã giúp tôi tìm được động lực để tiếp tục chiến đấu cho điều mình muốn và cần.

Bài học năm: Hiểu về cơ thể bản thân 

Một trong những bài học lớn nhất mà tôi học được trong suốt cuộc đời là hãy hiểu cơ thể chính mình. Đa phần mọi người chỉ quan tâm tới cơ thể khi họ cảm thấy ốm hoặc mệt mỏi. Tuy nhiên, bạn thực sự cần quan tâm tới cơ thể mình mọi lúc, kể cả khi bạn khỏe, không có dấu hiệu bệnh tật gì. Biết rằng như thế nào là điều bình thường sẽ giúp bạn khi cơ thể đột ngột thay đổi, khi cơ thể cần được các bác sĩ kiểm tra.

Một trong những điều quan trọng nhất nhưng cũng đơn giản nhất mà bạn có thể làm là đi khám sức khỏe định kỳ. Nhờ vậy, các bác sĩ sẽ cho bạn biết là bạn có khỏe hay không. Hơn nữa, bạn cũng cần quan tâm tới lịch sử sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Những chứng bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, ung thư hoàn toàn có thể được phòng chống ngay trước khi nó trở thành mối nguy cho sức khỏe của bạn. Trong nhiều trường hợp, việc phát hiện sớm thực sự đóng vai trò quan trọng cho việc điều trị. 

Skye
Theo Thời Đại