Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:08
RSS

Sống chung với mẹ chồng: Ngừng phán xét hai người phụ nữ đi, anh chồng mới xứng đáng bị "ném đá" nhiều nhất

Thứ tư, 12/04/2017, 08:31 (GMT+7)

"Tại sao một chàng trai đã trưởng thành, có học thức, sống trong gia đình khá gia giáo mà lại không hề có chính kiến, quan điểm cá nhân như vậy?"

Có lẽ, hiếm một bộ phim Việt nào vừa mới khởi chiếu được vài tập trên khung sóng giờ vàng của VTV lại thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khán giả như Sống chung với mẹ chồng.

Và cũng ít có bộ phim nào, nội dung phim, đề tài, thông điệp, diễn xuất của nhân vật lại khiến khán giả xôn xao tranh luận nhiều đến vậy trên khắp các diễn đàn mạng, nhất là những diễn đàn dành cho các bà mẹ bỉm sữa.

Theo dõi chung, có thể thấy, hiện tại đang có 2 hướng dư luận chủ yếu. Một là, người ta phê phán nhà làm phim vì đã chọn đề tài quá cũ, và áp đặt cái nhìn cũ kỹ, lạc hậu về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Họ cho rằng, mối quan hệ này giờ đã khác rồi, không nên nhìn bằng đôi mắt hẹp hòi, cổ hủ, gây oan uổng cho mẹ chồng và nàng dâu như vậy.

Một luồng dư luận khác  phê phán tính cách của cả mẹ chồng và nàng dâu theo kiểu "ông cũng ghê, bà cũng gớm", "kẻ tám lạng, người nửa cân". Tất nhiên, việc có nhiều luồng ý kiến về một bộ phim ẩn chứa đề tài gây tranh cãi như Sống chung với mẹ chồng là hoàn toàn dễ hiểu.

sống chung với mẹ chồng1

Nhưng, hình như, người ta mới chỉ mải mê dõi theo từng chi tiết nhỏ của 2 nhân vật chính là mẹ chồng và nàng dâu mà đã quên đi hoặc ít nhắc tới vị trí của một nhân vật mà theo tôi có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí là quyết định mối quan hệ này, đó là người chồng trẻ - con trai.

Nhân vật Thanh này được đạo diễn dụng ý đặt vào giữa mối quan hệ của mẹ chồng - nàng dâu ở hầu hết các tình huống mâu thuẫn, xung đột, căng thẳng. Hầu như lần nào, khi dành cho con dâu những câu "sốc", cũng thấy sự có mặt của Thanh.

Trong đó, tiêu biểu là các tình huống bà mẹ đột nhập vào phòng của vợ chồng Thanh ngay trong đêm tân hôn. Rồi chi tiết bà mẹ chồng dặn con trai "quan hệ ít thôi, tốt mái thì hại trống" trong bữa ăn.

Hay cả chi tiết bà Phương vào bếp, thấy Thanh đang đeo tạp dề để rửa bát, đã lột ra và phán như chân lý rằng: Nhà này phụ nữ chết hết rồi à mà để đàn ông phải làm việc này?

Khoan hãy phán xét về cách hành xử của bà Phương, hãy bàn xem Thanh là người như thế nào? Tại sao một chàng trai đã trưởng thành, có học thức, sống trong gia đình khá gia giáo mà lại không hề có chính kiến, quan điểm cá nhân như vậy?

Nhiều lúc, khi xem phim, người ta thấy Thanh là hiện thân của một chàng công tử chỉ quen nằm trong vòng tay mẹ, như con chim non chưa rời khỏi tổ của mình.

Thấy mẹ xâm phạm nghiêm trọng đời sống riêng tư của mình, cậu ta không hề có những thái độ đúng mực, cần thiết. Thấy mẹ hành xử lỗ mãng, thiếu tế nhị, cậu cũng không hề có những ý kiến, góp ý nhẹ nhàng, chân tình nhưng kiên quyết.

sống chung với mẹ chồng2

Giả sử chi tiết cậu đeo tạp dề, phụ vợ việc bếp núc, nếu là một chàng trai đã trưởng thành, Thanh hoàn toàn có thể giải thích cho mẹ rằng: "Đàn ông biết việc bếp núc cũng tốt, thế mẹ không muốn bố con trổ tài, giúp mẹ chuyện nấu nướng sao?

Bây giờ, người ta đang hô hào nam nữ bình quyền, ai cũng nên vào bếp để chia sẻ, đỡ đần việc nhà, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình đó thôi. Mẹ không nên khắt khe quá, nặng nề quá về việc đó".

Tôi tin rằng, khi nghe câu đó của con trai, bà Phương sẽ khó lòng nói lại được. Nhưng cậu ta đã không nói được câu đó, thay vào đó lại có thái độ như một cậu bé bị mẹ bắt quả tang đang ăn vụng?

Không chỉ sợ sệt mẹ mình, với vợ, Thanh cũng cho thấy cậu ta là một người đàn ông nhu nhược, thiếu bản lĩnh, sự chín chắn. Chi tiết vợ ra điều kiện "phải chuyển ra ở riêng" rồi ra hạn thời gian trong vòng 3 tháng, xem phản ứng của Thanh, tôi hoàn toàn thất vọng.

Lẽ ra, việc đầu tiên Thanh phải làm là trấn an vợ, động viên để vợ bớt bức xúc, thì đằng này, cậu ta lại dễ dàng thỏa hiệp và xun xoe...  xin gia hạn thời gian.

Chính sự nhu nhược, thiếu bản lĩnh của Thanh đã khiến không chỉ bà mẹ mà còn dẫn đến việc vợ mình cũng ngày càng coi thường. Và, vô hình chung, cậu trở thành nguyên nhân để mâu thuẫn của mẹ chồng với nàng dâu ngày càng nhiều hơn, có nhiều chi tiết dở khóc dở cười hơn.

sống chung với mẹ chồng3

Trên nhiều trang mạng xã hội dành cho các bà mẹ bỉm sữa, rất nhiều các mẹ trẻ, hoặc những người ở độ tuổi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân đã tuyên bố: không dám lấy chồng khi xem phim này. Hoặc, gặp bà mẹ chồng thế này thà... ở vậy còn hơn.

Vì không là phụ nữ, nên tôi không thể hiểu được hết suy nghĩ của các chị em. Nhưng, nếu chỉ xem phim mà "không dám lấy chồng" tôi e rằng chị em đã lo quá xa, đã sợ quá đà. Nhiều người cho rằng phim không thật, vì làm gì có người mẹ chồng - nàng dâu nào đến mức như vậy?

Tôi thì không cho là thế. Tôi nghĩ rằng, có thể đạo diễn đã cố tình xây dựng các tình huống, chi tiết hơi quá đà, nhưng nó hoàn toàn là câu chuyện có thể gặp thường ngày. Thậm chí, ở nhiều gia đình, các mâu thuẫn này còn lớn hơn nhiều.

Từ xưa đến nay, cứ nhắc đến "mẹ chồng - nàng dâu" là người ta nghĩ ngay đến những mâu thuẫn, xung đột, đến sự ý tứ, e dè, thiếu mặn mà, thân thiện. Nhưng, cái tâm lý, mâu thuẫn tự nhiên ấy vẫn tồn tại, như một phần khó thể thiếu của đời sống gia đình.

Tất nhiên, trong cuộc sống hiện đại, mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu không còn quá căng thẳng và kịch tính như trước. Tuy nhiên, để đòi hỏi mẹ chồng - nàng dâu đối xử với nhau thân thiện như mẹ với con gái hoặc như con rể với bố vợ là điều không dễ. Đó là điều mà hầu như người phụ nữ nào khi bước chân về nhà chồng cũng đều xác định trước.

sống chung với mẹ chồng4

Để tránh điều đó, điều cần thiết là  họ phải tự trang bị kiến thức cho mình, trong đó có cách xử lý tình huống xung đột sao cho khôn khéo, tế nhị, thông minh. Và, họ cũng trông cậy vào chồng mình, với sự xuất hiện và thái độ đúng mực, có những tình huống xử lý khéo léo, "thuận cả đôi đường".

Dù sao thì Sống chung với mẹ chồng chỉ là một bộ phim. Khi xem nó, tôi thấy mình được những trận cười sảng khoái, bớt căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc, vậy là đủ. Đòi hỏi thông điệp, chức năng gì to tát từ bộ phim, có lẽ là hơi quá.

Nếu có chăng, chỉ mong rằng, xem bộ phim đó, những người đang làm mẹ, làm chồng, làm vợ hãy tự rút ra cho mình điều gì đó, để tự thay đổi bản thân, để làm sao mẹ chồng được hiểu với hình ảnh đáng kính, đầy yêu thương; nàng dâu được vẽ lên với một chuẩn mực về sự dễ thương, khéo léo, tinh tế và người chồng - người con trai, phải hiện lên với một tâm thế vững vàng, bản lĩnh, kiên quyết nhưng vẹn lý, trọn tình.

Làm được điều đó, sẽ giúp cho mối quan hệ "mẹ chồng - nàng dâu" ngày càng tốt đẹp hơn. Bởi, dù thế nào, mẹ chồng với nàng dâu cũng đều là phụ nữ, đều có chung hoàn cảnh, vị thế, và quan trọng nhất, là cùng sống chung trong một gia đình.

Trailer "Sống chung với mẹ chồng". Nguồn: TVAd Insider

Chiến Văn
Theo Đời sống Plus