Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:53
RSS

Sơn La: Phân bón giả, kém chất lượng đang ngày ngày 'móc túi' nông dân

Thứ ba, 24/09/2019, 08:05 (GMT+7)

Thời gian qua, tình hình buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả - nhái trong lĩnh vực nông nghiệp diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Tại Sơn La, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang có nhiều nỗ lực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại để ngăn chặn tình trạng này.

Tại tỉnh Sơn La, hàng hóa vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là vật tư nông nghiệp, giống cây trồng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Để đối phó với tình trạng này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Điển hình vừa qua, các cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp đã tổ chức kiểm tra, lấy tổng số 15 mẫu phân bón vô cơ của 8 công ty đang cung ứng phân bón trên địa bàn tỉnh, tại các đại lý ở các huyện: Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã và Thành phố để phân tích chất lượng.

Kết quả, có 7 mẫu phân bón đạt chất lượng, 8 mẫu có chất lượng kém, không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP. Các công ty có hàm lượng phân bón thiếu là: Công ty cổ phần Đầu tư Vinaso (phân NPK Vinaso), Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh Phú Tài (phân NPK Phú Tài), Công ty cổ phần Thương mại Cường Phát (phân bón Sao Nông).

Đặc biệt là Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú có địa chỉ tại thị trấn Đồng Gia, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có tới 2 tên sản phẩm NPK Nông Gia và NPK Lộc Điền với 4 mẫu kém chất lượng, trong đó có mẫu NPK Lộc điền 8-10-3 có hàm lượng Ni tơ chỉ đạt 70,25%, thiếu 29,75%, NPK Nông Gia 10-5-5 có hàm lượng kaly đạt 71,75%, thiếu 27,8%, gần chạm mức hàng giả theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón.

Các cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với các hộ kinh doanh, buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn theo quy định nhà nước; yêu cầu các đại lý thu hồi lô phân bón kém chất lượng trả lại cho các công ty sản xuất.

Sơn La: Phân bón giả, kém chất lượng đang ngày ngày 'móc túi' nông dân
Sản phẩm phân bón Nông Gia và Lộc Điền của Công ty TNHH TM Tuấn Tú kém chất lượng.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Việc sản xuất, buôn bán phân bón có hàm lượng các chất dinh dưỡng thiếu so với công bố ghi trên bao bì sản phẩm và dưới mức được chấp nhận là hành vi “móc túi” nông dân; lợi nhuận thuộc về nhà sản xuất, còn người nông dân thì chịu thiệt do chất lượng sản phẩm không đúng với thông tin ghi trên bao bì nhãn mác.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân, Chi cục sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu và kiểm tra chất lượng tất cả các loại phân bón đang lưu hành trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sản phẩm không đạt chất lượng của các đơn vị sản xuất theo quy định.

Qua trao đổi, các đại lý buôn bán phân bón đều cho rằng: Các đại lý buôn bán không có khả năng lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Khi ký kết hợp đồng thì các công ty sản xuất cam kết chịu trách nhiệm đến cùng tới tay người nông dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.

Nhưng khi phân bón bị các cơ quan chức năng phát hiện kém chất lượng thì ảnh hưởng lớn nhất lại thuộc về người buôn bán. Rất mong các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón và có chế tài nghiêm khắc ngay từ khâu sản xuất, để những người buôn bán và nông dân không bị ảnh hưởng; nếu công ty nào sản xuất kém chất lượng thì các cơ quan chức năng thông báo đích danh để nông dân tẩy chay, không sử dụng sản phẩm phân bón của các công ty đó.

Được biết, chỉ trong quý III năm nay, cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp đã tổ chức 4 cuộc kiểm tra về các nội dung: An toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; Tổ chức lấy mẫu phân tích chất lượng phân bón; phối hợp với Cục Quản lý Thị trường trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh.

Kết quả có 34 cơ sở được kiểm tra, trong đó đã phát hiện và xử lý 8 cơ sở vi phạm về hành vi buôn bán giống cây trồng chưa có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc giống chưa được công nhận giống cây trồng mới; vi phạm về vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch; kinh doanh, buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng.

Các cơ quan chức năng đã ban hành 8 quyết định xử phạt, thu nộp ngân sách gần 32 triệu đồng, buộc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với tang vật vi phạm và tiêu hủy tang vật vi phạm.

Hiện, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh đang tăng cường phối hợp với các lực lượng công tác chống buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và vật tư nông nghiệp. Chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị chức năng thuộc Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng chống vi phạm.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng người dân đấu tranh, phòng chống hành vi buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác; tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp phục vụ lợi ích chính đáng cho người dân, đảm bảo quyền lợi đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN