Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua, Hà Nội được công bố xếp thứ 25 trong bảng xếp hạng về điểm trung bình với số điểm 6,445. Địa phương dẫn đầu là Nam Định với 7,047 điểm.
Trong kỳ thi này, Hà Nội là một trong những địa phương có đông thí sinh dự thi nhất với gần 98.000 thí sinh dự thi. Thế nhưng, năm 2022, Hà Nội không những không lọt top 10 địa phương có điểm số cao mà thậm chí đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT.
Lý giải nguyên nhân vì sao Hà Nội không lọt top 10 bảng xếp hạng điểm thi tốt nghiệp THPT, ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi trên báo Lao động cho biết, nguyên nhân đầu tiên của việc Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông, có mức đầu tư cao cho giáo dục nhưng xếp hạng kết quả thi tốt nghiệp THPT không cao là do hiện nay, có rất nhiều phương thức tuyển sinh vào đại học.
Ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, học sinh có rất nhiều sự lựa chọn như xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế học bạ, bài thi đánh giá năng lực. Ở Hà Nội, nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào các trường đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT. Do đó, mục tiêu của các em chỉ là thi đỗ tốt nghiệp và không đặt nặng vấn đề điểm số cao.
Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông khẳng định, mục tiêu của Hà Nội cũng như tất cả các tỉnh thành khác là nâng cao chất lượng dạy học. "Điểm thi tốt nghiệp THPT đôi khi còn liên quan đến nhu cầu, mục tiêu của học sinh" - ông Nhâm chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, thuộc trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một số lý do khiến điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội không nằm top cao. Thứ nhất do Hà Nội là địa phương có diện tích rộng, học sinh trải dài cả khu vực 1, 2, 3 nên sức học không đồng đều nhau. Thứ hai, nhiều gia đình quyết định cho con đi du học nên các em học sinh không cần phải thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, có nhóm thí sinh tham gia thi lấy mức điểm vừa phải, không cần phấn đấu cao mà dồn sức cho các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, SAT... hay thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
"Dù không hoàn toàn tập trung mục tiêu thi tốt nghiệp THPT nhưng học sinh ở Hà Nội vẫn đạt nhiều danh hiệu thủ khoa. Chẳng hạn năm nay, Hà Nội có tới 3 thủ khoa: Trường THPT Quốc Oai có học sinh là thủ khoa khối A hay Trường THPT chuyên Ngoại ngữ có 2 học sinh là thủ khoá khối A1 và khối B. Như vậy, có thể thấy thi tốt nghiệp không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá giáo dục”, TS Nguyễn Phú Chiến nói thêm.
Trao đổi trên báo Tiền Phong, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH- CĐ Việt Nam cho rằng, những địa phương như Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh lâu nay vốn được coi là “đất học”. Điều này có nghĩa, cả gia đình, nhà trường, xã hội đều tập trung thời gian, nguồn lực cho con cái được học tập tốt nhất trong môi trường giáo dục ổn định.
Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô nhưng địa bàn rộng lớn, đông học sinh nhưng chất lượng học tập không đồng đều giữa các vùng, các nhà trường. Nếu nói về sự quan tâm của cha mẹ học sinh, Hà Nội có một tỉ lệ nhất định đầu tư rất lớn cho giáo dục, còn nhiều em có gia đình khó khăn hoặc phụ huynh bận làm ăn chưa thật sự quan tâm dẫn đến kết quả học tập không được như ý.