Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:44
RSS

Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục chưa từng có, Hà Nội có siết chặt công tác phòng dịch?

Thứ tư, 10/11/2021, 14:47 (GMT+7)

Với việc ghi nhận hơn 200 ca mắc Covid-19 cao nhất trong một ngày mà lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường.

Sự kiện:
Hà Nội

F0 tăng nhanh, Hà Nội có tiếp tục nâng cấp độ phòng dịch?

Mấy ngày gần đây, tại Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc covid-19 trong cộng đồng cũng như việc xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới.

Đáng chú ý, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 9/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 222 ca dương tính, trong đó có 105 ca tại cộng đồng, 97 ca tại khu cách ly và 20 ca tại khu phong tỏa. Đây là số ca mắc cao nhất trong một ngày mà lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta.

Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục chưa từng có, Hà Nội có siết chặt công tác phòng dịch

Cơ quan chức năng phong tỏa khu vực phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm sau khi ghi nhận chùm F0 mới ngày 9/11. Ảnh: Gia Khiêm

Về vấn đề này, ngày 10/11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có những trao đổi về công tác cách ly F1 của Hà Nội.

Theo bà, hiện nay theo quy định tại Nghị quyết 128 Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế... phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà. Do đó, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác dịch bệnh.

Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục chưa từng có, Hà Nội có siết chặt công tác phòng dịch

Lực lượng chức năng lập hàng rào phong toả tại phường Phú Đô. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Hà nhấn mạnh, việc này nhằm mục đích đảm bảo an toàn sức khoẻ tốt nhất cho người dân và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Hà Nội tuân thủ việc thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1.

Về thông tin những ngày gần đây số ca bệnh liên tục tăng, bà Hà cho hay, dự báo tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường. Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, các biện pháp cách ly đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128 vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương.

"Hà Nội nên cách ly tại nhà thay vì tập trung"

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, số ca mắc Covid-19 như hiện nay, Hà Nội vẫn ở cấp độ dịch 2, màu vàng, nguy cơ trung bình.

Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục chưa từng có, Hà Nội có siết chặt công tác phòng dịch

PGS TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Ca mắc Covid-19 tại Hà Nội có thể sẽ tăng trong những ngày tới. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong không tăng. Điều quan trọng nhất hiện nay đó là làm sao giải quyết việc cách ly tập trung bằng biện pháp cách ly tại nhà.

Hiện các ca mắc Covid-19 đa phần đều nhẹ, không triệu chứng, việc điều trị tập trung lại cộng thêm cách ly các F1 sẽ quá tải cho bệnh viện và khu cách ly. Nếu Hà Nội giải quyết theo Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ giảm tải cho các bác sĩ, bệnh viện...", ông Hùng nêu.

Về thông tin số ca mắc Covid-19 tăng "chóng mặt" như mấy ngày vừa qua, Hà Nội liệu có nên siết chặt công tác phòng dịch? ông Hùng cho rằng, việc ngăn chặn dịch vẫn phải tuân thủ thông điệp 5K. Quan trọng nhất mọi người phải hạn chế tụ tập đông người, hội họp, hội nghị, văn hoá thể dục thể thao nếu có phải kiểm soát, phải có đơn vị giám sát nhắc nhở đeo khẩu trang.

Trước ý kiến Hà Nội là địa bàn đông dân cư và thành phố đủ năng lực cách ly tập trung, ông Hùng cho rằng, điều này không đúng với chủ trương, đúng mục tiêu "Sống chung, an toàn cùng covid" của Chính phủ, không đúng lòng dân.

"Người dân muốn được cách ly tại nhà với những gia đình có điều kiện mà theo quy định tại nhà họ có người chăm sóc, có kiến thức, buồng cách ly… có thể tổ chức cách ly tại nhà được. Bên cạnh đó, việc cách ly tại nhà có sự hỗ trợ của chính quyền, tổ Covid-19 cộng đồng… có nhiều tổ chức giám sát. Việc đi cách ly tập trung khiến cả nhà lo lắng, nhất trẻ em hay người già ở nơi cách ly mà điều kiện không được như ở nhà", ông Hùng phân tích.

Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nêu quan điểm "thành phố không thể lấy lý do đủ năng lực để cách ly tập trung. Việc cách ly tại nhà là xu thế và chủ trương của Chính phủ".

"Chính phủ đã quan tâm chú trọng vào tiêm vaccine thì thành phố nên thực hiện cách ly tại nhà chứ không phải vì Hà Nội đủ năng lực điều kiện để người dân cách ly tập trung. Không nơi nào thiếu năng lực cả, như vậy không phù hợp với lòng dân, với sống chung cùng Covid-19. Dù sao tổ chức cách ly tập trung sẽ rất tốn kém cho Chính phủ, Nhà nước. Cần tập trung lực lượng vào nhân viên y tế trong công tác khám chữa bệnh.

Tại TP.HCM nhiều ca mắc Covid-19 nhưng vẫn tổ chức cách ly tại nhà có sao đâu? Nếu Hà Nội giải quyết được việc này sẽ nhẹ gánh cho thành phố, người dân cũng thấy có trách nhiệm trong phòng chống dịch, tránh việc chủ quan sẽ rất nguy hiểm", ông Hùng chia sẻ thêm.

12 ổ dịch tại Hà Nội hiện nay, tính đến 18h tối 9/11:

1. Ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm từ ngày 9/11: 11 ca.

2. Ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình từ ngày 3/11: 31 ca.

3. Ổ dịch đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy từ ngày 2/11: 52 ca.

4. Ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình từ ngày 3/11: 16 ca.

5. Ổ dịch phường Phú La, quận Hà Đông từ ngày 4/11: 43 ca.

6. Ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm từ ngày 31/10: 168 ca.

7. Ổ dịch kho hàng Shopee KCN Đài Tư từ ngày 5/11: 63 ca.

8. Ổ dịch Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì từ ngày 6/11: 14 ca.

9. Ổ dịch Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức từ ngày 31/10: 14 ca.

10. Ổ dịch Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai từ ngày 30/10: 34 ca.

11. Ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh từ ngày 27/10: 180 ca.

12. Ổ dịch tại Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai từ ngày 24/10: 155 ca.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại